Jun 9, 2009

Bàn về sự phức tạp của tiếng Việt...

From Neitcouq's blog

Ngay cả các thầy của tôi trong trường đại học, khi giảng bài cho sinh viên vẫn nhầm lẫn khi sử dụng cụm từ "vô hình chung" thay vì "vô hình trung". Thực ra, không có từ nào gọi là "vô hình chung" trong từ điển cả. Chính xác phải là "vô hình trung". Nghĩa của từ này gần với từ "vô tình", hay cụm từ "1 cách không chủ ý". "Vô hình trung" thường được dùng để chỉ những sự việc hay hành động diễn ra không cố ý nhưng lại là mấu chốt trung gian của 1 vấn đề, gây ra 1 kết quả khác.

Hay 1 ví dụ nữa, người ta vẫn thường nhầm lẫn trong cách sử dụng giữa 3 từ "công nhận", "thú nhận" và "thừa nhận". Nói: "tao phải công nhận là mày giỏi thật !" là 1 phát biểu sai. "Công" ở đây nghĩa là "chung". Một mình anh thì chưa đủ tư cách để "công nhận" 1 điều gì có tính chân trị. "Chúng tôi công nhận", "tập thể công nhận", hay "nhà nước công nhận" là những sử dụng đúng. Trong trường hợp này, khi chỉ có 1 cá nhân, phải dùng "tao thừa nhận..." mới đúng. Còn "thú nhận" là 1 cá nhân "thừa nhận" 1 vấn đề gì đó liên quan đến bản thân anh ta, nếu anh ta không tự "thú nhận" thì tính chân trị của vấn đề cũng không thể xác định. Hỏi: "Anh có thừa nhận rằng anh đã từng yêu em ?". Trả lời: "Anh thú nhận với em rằng, anh đã từng yêu em" chính xác hơn là "Anh thừa nhận..."

Nói chung tiếng Việt ta có nhiều cái hay lắm, nhưng không phải người Việt nào cũng hiểu hết cái tinh vi đó của tiếng Việt để sử dụng một cách nhuần nhuyễn trong mọi tình huống. Chẳng thế mà hôm qua đọc trên BBC, nghe đâu ông thứ trưởng ngoại giao Việt Nam phát biểu, trong đó có đoạn "Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam".

Tại sao lại là "đề nghị" mà không phải là "yêu cầu" ? Đề nghị (suggest) thoạt qua chẳng khác gì so với yêu cầu (require) nhưng kỳ thật, nội hàm của 2 từ này khác nhau xa lắm vậy.

Về mức độ, 1 lời "đề nghị" có tính ép buộc (oblige) thấp hơn nhiều so với 1 "yêu cầu". "Chúng tôi đề nghị chúng ta nên có thêm 1 cuộc gặp nữa để bàn dứt điểm về chuyện này". Đề nghị -suggest mang tính thăm dò, dò hỏi nhiều hơn là cưỡng bức, cưỡng bách. Người được đề nghị có quyền từ chối lời đề nghị, làm hoặc không làm theo đề nghị. Đề nghị dễ dẫn người ta đến cảm tưởng về 1 mối tương quan (sức mạnh, quyền lực, ưu thế ...) nhiều nhất là 5-5, không loại trừ phía đưa ra đề nghị đang ở "chiếu dưới", tức là mối tương quan 4-6, 3-7 hoặc thậm chí là còn chênh lệnh nhiều hơn nữa.

"Yêu cầu" thì khác. "Chúng ta phải làm theo đúng yêu cầu (require) của khách hàng", " Mỹ yêu cầu Triều Tiên không thử tên lửa tầm xa". Yêu cầu, chứ không phải là đề nghị nữa. Chúng tôi yêu cầu anh như vậy, và anh phải làm như vậy, không có 1 lựa chọn khác cho anh. Vì tương quan giữa tôi với anh không phải là mối tương quan 5/5, tôi đang ở vị thế cao hơn anh. Nói trắng ra, tôi đang ép buộc anh phải làm như cách mà tôi muốn.

Trung Quốc cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên chính lãnh hải Việt Nam, nơi mà bao nhiêu đời nay, ngư dân Việt Nam vẫn tự do lao động, tự do kiếm sống, tự do hít thở những luồng gió biển mặn nồng. Họ không có cái quyền cấm chúng ta. Và chúng ta cũng không việc gì phải thương lượng hay đề nghị với họ. Chúng ta phải yêu cầu họ rút lại tuyên bố ngông cuồng đó, và trên hết, yêu cầu họ hãy để ngư dân Việt Nam tự do làm những gì họ muốn làm, hưởng thụ những điều họ xứng đáng được hưởng, đó là di sản của cha ông đã để lại cho họ, cho hôm nay và cả muôn đời sau.

Mặc dù từ ngữ cũng chỉ là ...từ ngữ, nó không làm thay đổi được hiện thực, nhưng ít ra, nó cũng thể hiện được thái độ, quan điểm của người sử dụng, nhất là trong các phát biểu chính thống, có tầm quan trọng cấp bộ ngoại giao, cấp nhà nước...Một chút xíu khác biệt về từ ngữ thôi, nhưng người ngoài nhìn vào có thể thấy được cái tâm, cái tầm của người sử dụng vậy.

Ôi, tiếng Việt! phức tạp lắm thay !

Jun 1, 2009

10:17 PM - No comments

Ngơ ngác

From Neitcouq's blog

Ngơ ngác


4 năm rồi
Anh chẳng khác anh xưa
Vẫn ngơ ngác
Như 1 lần bất chợt
Em nắm tay anh lồng vào hát tóc
Và bảo rằng
Em sợ những ngây thơ ...

4 năm rồi
Anh vẫn cứ thẩn thờ
Bởi nụ hôn thơm mùi hoa cỏ
Của 1 đêm xưa
Anh chẳng nhớ mang màu gì nữa
Chỉ thấy sáng bừng
Trên mỗi ngón tay thô ...

4 năm rồi
Cho đến tận bây giờ
Anh chưa hiểu vì sao hôm ấy
Chia tay em...
Trời bổng xanh đến vậy
Từ đó biết buồn...
Khi thấy bóng hoa rơi.

4 năm rồi
Anh giấu những chơi vơi
Ngơ ngác sống,
Ngơ ngác buồn theo nắng
Như hôm nay
Giữa chiều trôi rất lặng
Ngơ ngác nhìn hương cỏ mới vừa qua

4 năm rồi, anh sống lại ngày xa
Những ngón tay khô
Hồi sinh bỏng rát.
Trên môi em, vẫn thấy đời ngơ ngác
Em bây giờ, thiếu phụ...
Trời ơi !


2/6/2009