Feb 13, 2012

7:13 AM - 1 comment

Giá mà nó chẳng mặc gì

Bà Đặng Tuyết Mai kể lại rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tỏ ra vô cùng thích thú khi thấy bà hiểu được ý nghĩa của câu "Em đi về cầu mưa ướt áo." trong bài Mưa Hồng. Nguyên văn lời của bà Đặng Tuyết Mai: "Em đi về, em cầu cho mưa ướt áo, để em được chính thức khoe vẻ đẹp của mình."

Trong muôn vàng cái đẹp mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho con người, cái đẹp của người phụ nữ (mà cụ thể là những đường nét trên thân thể họ) vẫn luôn là cái đẹp dễ làm người ta thổn thức nhất, đáng được ca ngợi nhất. Chẳng thế mà Nguyễn Du, ngay từ thế kỷ 18, đã có những câu thơ cực kỳ cách mạng:

Rõ màu trong ngọc trắng ngà !
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.

Phụ nữ thời nào cũng vậy, họ ý thức được mình đẹp, và luôn muốn khoe điều đó. Đó là một nhu cầu tự thân, rất dễ hiểu, và hơn nữa rất đáng hoan nghênh.

Tại sao lại hoan nghênh ? Là bởi vì cái đẹp, theo nghĩa đầy đủ nhất, có khả năng cứu rỗi. Nội hàm của cái đẹp luôn bao hàm cái chân và cái thiện. Bạn nghĩ gì khi chiêm ngưỡng một cách nghiêm túc những đường nét tuyệt đẹp trên cơ thể một người phụ nữ ? phải chăng đó là cảm giác thán phục sự sáng tạo tuyệt vời của tạo hóa. Ngưỡng mộ cái đẹp ấy, bạn có nghĩ cần tôn trọng và nâng niu tất thảy những người phụ nữ, bắt đầu từ những người phụ nữ xung quanh mình ?

Mấy bức ảnh gần đây của Mai Phương Thúy, chẳng qua cũng là một cách "em đi về cầu mưa ướt áo". Phụ nữ hiện đại, dĩ nhiên không cần phải rụt rè trông chờ (và tiện thể đổ tội) cho thiên nhiên, họ biết mình đẹp, và họ chủ động khoe cái đẹp ấy. Không phải đợi trời mưa, đã có Canon EOS 1d Mark, photoshop và truyền thông lá cải.

Mấy bức ảnh của Mai Phương Thúy, nếu phải mô tả, thì chỉ có thể dùng từ gợi cảm chứ chưa đến mức gợi dục hay dung tục. Mấy hôm trước, mình có để status trên face: "Dù sao, đây là một trong số ít bộ ảnh đạt đến đẳng cấp làm cho người ta thổn thức nhưng hok gợi cho người ta dục vọng."

Có đánh chết mình cũng không hiểu, tại sao với áo hai mảnh (vốn vẫn được xem là một phần thi "không thể thiếu" trong các cuộc tuyển chọn người đẹp, kể cả ở Việt Nam) người ta có thể vô tư tạo dáng ở rất nhiều tư thế gợi cảm nhằm phô diễn một cách tối đa những đường cong tuyệt đẹp của người phụ nữ, thì với áo dài, người ta lại hạn chế điều đó. Trong khi áo dài vốn được thừa nhận như một trang phục có khả năng phô diễn một cách khéo léo những ưu điểm của phái nữ.

Sự "dung tục" ở đây không thuộc bản chất của hành vi mà lại thuộc vào thứ mà một người khoát trên lưng họ. Cũng tư thế đó, nếu mặc bikini thì chẳng có gì lăn tăn, nhưng nếu vận vào áo dài thì đó là dung tục. Phải chăng người ta đang muốn giữ gìn tiết hạnh cho một bộ y phục để trao cho nó cái danh hiệu "vạn niên trinh tiết y" ?

Gì thì gì, gợi cảm hay gợi dục, nó cũng chỉ là 1 câu chuyện ...lá cải, cốt cho dân văn phòng có chuyện để buôn vào lúc cơm trưa. Không việc quái gì to tát đến mức một ông giáo sư phải khái quát lên thành mầm mống của sự suy đồi, hay quan chức cấp bộ phải bàn ra bàn vào, tước hay không tước. Những nhân vật đạo mạo ấy, thay vì làm chuyện có ích hơn, lại đeo gương ngồi trước computer, nhìn bộ ngực căng tròn của Mai Phương Thúy một chút, nhìn cái mông đẫy đà của Mai Phương Thúy một hồi, rồi định lượng, rồi định tính, rồi phán: đấy, đấy, vậy là không được, vậy là gợi dục, vậy là hớ hên, vậy là trái với thuần phong mỹ tục...Mẹ kiếp, giá mà nó chẳng mặc gì...