Jul 29, 2011

12:59 AM - No comments

Học bổng du học ngành năng lương nguyên tử ở LB Nga

Bộ GD-ĐT vừa thông báo tuyển sinh 70 học bổng du học LB Nga ngành năng lượng nguyên tử. Học bổng toàn phần theo diện hiệp định.

Đối tượng là sinh viên năm 1, năm 2 ở các trường đại học hoặc học sinh vừa mới dự kỳ thi đại học năm 2011 vừa rồi. Tiêu chuẩn thế nào thì các bạn xem thêm link dưới, trong file đính kèm nhé.

Đây là 1 học bổng rất thú vị. Mình nghĩ mọi người nên chia sẻ cho bạn bè. Trong bài toán phát triển kinh tế cho tương lai, phương trình năng lượng là một phương trình tương đối khó cân bằng. Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng một loạt các nhà máy điện nguyên tử nhằm phục vụ cho nhu cầu đó. Những ai được du học ở Nga đợt này sẽ có nhiều cơ hội trở thành những chuyên gia hàng đầu trong ngành lượng nguyên tử của Việt Nam .

Nếu ai thấy mình có đủ điều kiện thì cứ thử nhé ! Chúc may mắn !

Link: http://www.moet.gov.vn/?page=1.1&type=otm5mji3&view=3594

Jul 28, 2011

Đừng "nâng cao quan điểm"

Đây là bài văn viết theo thể biền ngẫu do giáo sư Vũ Khiêu chấp bút, được dự định sẽ thay thế cho bài thơ của Hồ Chí Minh (đã khắc lên bia đá) đang gây nhiều tranh cãi mấy hôm nay.

Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung
Vinh quang thay! Danh trấn Nghệ An
Vĩ đại thay! Anh hùng Nguyễn Huệ.
Núi sông hùng vĩ, ngàn năm vượng khí anh linh;
Trời biển tung hoành, một vị hùng tài cái thế.
Tổ bốn đời từ Thái Lão, Hưng Nguyên – Đường vạn dặm vào Tây Sơn, Kiên Mỹ.
Năm Tân Mão (1771) cùng huynh trưởng phất cờ khởi nghĩa lúc Nam chinh, khi Bắc chiến rực rỡ công lao;
Xuân Kỷ Dậu (1789) vì nhân dân hành đạo thay trời trừ nội phản, diệt ngoại xâm lẫy lừng uy thế.
Một trận ra quân vào Rạch Gầm – Xoài Mút đánh chìm ba trăm thuyền vùi xác giặc Chiêu Tăng;
Năm ngày thần tốc tới Khương Thượng – Đống Đa đại phá hai chín vạn tan hồn quân Sỹ Nghị.
Bảo toàn bờ cõi mở vận thanh bình – Quét sạch ngoại xâm xây nền thịnh trị.
Khuyến nông trọng sỹ phát triển công thương – Rèn tướng luyện quân tăng cường võ bị.
Kinh bang tế thế, định bốn phương một hướng đi lên;
An quốc hộ dân, lưu vạn đại trăm bài học quý.
Một thời ngang dọc dưới trời Nam – Bao bận đi về trên đất Nghệ.
Quê xưa họ cũ uống nước nhớ nguồn – Người giỏi đất thiêng sâu tình nặng nghĩa.
Mậu Thân (1788) vừa hạ chiếu dựng Trung Đô;
Nhâm Tý (1792) đã băng hà rời cõi thế.
Xây hoàng cung chưa kịp hoàn thành – Gặp biến cố trở nên hoang phế.
Ngày nay:
Trên núi cao Dũng Quyết uy nghi – Dưới nền cũ Trung Đô hùng vĩ
Đền thiêng tọa lạc thờ bậc thiên tài – Đại điện tôn nghiêm tri ân thánh đế.
Công huân vang dội cổ kim – Ân đức bao trùm trời bể.
Binh cường, quốc phú lược thao nối chí tiền nhân;
Trí tráng, tâm hùng chính khí soi dài hậu thế.
Còn đây là bài thơ của Hồ Chí Minh:

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà...
Theo cái nghĩa văn bia dựng lên để ghi lại và tôn vinh công trạng của tiền nhân (như tấm bia này) thì tôi cho rằng bài viết của GS Vũ Khiêu hay hơn, đầy đủ hơn, nó khái quát được sự nghiệp của Nguyễn Huệ cũng như những công trạng của ông, không chỉ trên lĩnh vực quân sự mà còn trong lĩnh vực đối nội, đối ngoại... Đọc và nhớ những lời lẽ ngắn gọn trên tấm bia là đủ kiến thức cho 1 người bình thường khi nghĩ về công trạng của người anh hùng áo vải.

Bỏ đi những lùm xùm về từ ngữ (từ "kẻ"). Bài thơ của cụ Hồ không làm được điều đó.

Theo quan điểm cá nhân tôi, văn phong khắc trên văn bia phải có được vẻ trang nghiêm, súc tích. Tôi thấy người ta hay chọn kiểu văn biền ngẫu để viết văn bia, đó là một lựa chọn hợp lý.

Bài thơ của cụ Hồ thực chất là một bài diễn nôm. Tôi thấy không trang trọng cho lắm. Cố nhiên, bình như Phạm Xuân Nguyên: Nguyễn Huệ là anh hùng áo vải, ăn nói dân dã, văn vần/thơ diễn nôm như thế là hợp với phong cách của tiền nhân. Nói như vậy cũng khó mà cãi.

Lời lãnh tụ tùy ngữ cảnh có thể đúng hoặc sai, hay hoặc dỡ, thiếu hoặc đủ. Và thậm chí còn tùy theo cảm nhận của mỗi người. Từ việc thay bia chỉ có thể đi đến phê phán cách làm việc ẩu tả và thiếu khoa học của những người có trách nhiệm. Nói họ "bịt miệng Hồ Chí Minh", đục bỏ lời lãnh tụ là quá khắc khe rồi. Còn như "nâng cao quan điểm" (nói theo lời của 1 vị chức sắc Nghệ An) thành hèn hạ, sợ Tàu thì quả là bất công rồi.

"Năm ngày thần tốc tới Khương Thượng – Đống Đa đại phá hai chín vạn tan hồn quân Sỹ Nghị." Lời lẽ như thế, sao lại bảo người ta sợ Tàu được ?

Mặc dù rất hâm mộ Phạm Xuân Nguyên, nhưng tôi thấy tinh thần cảnh giác lần này đã đưa anh (tôi thích gọi thế, mặc dù Phạm Xuân Nguyên hơn tôi cả mấy thế hệ) đi hơi xa rồi, khiến anh nhìn đâu cũng thấy toàn Việt gian bán nước cả. Đọc bài viết thứ 2, tôi thấy thay vì dùng danh từ Bác Hồ, Người ...như xưa nay mọi người vẫn thường, anh dùng "ông Hồ" để chỉ Hồ Chí Minh. Tôi có thể cảm nhận là Phạm Xuân Nguyên đang cố trả lại vị trí bình thường cho ông Hồ (bản thân tôi cũng thích thế), vậy thì sao không trả luôn vị trí bình thường cho những lời ông cụ nói, thơ/văn ông cụ viết, mà còn vấn vương giữ lại chúng như là "lời của lãnh tụ" ?. Cái tư duy xơ cứng: lời của lãnh tụ là khuôn vàng thước ngọc, là minh triết, là đỉnh cao trí tuệ, là bất khả thay thế, bất khả sửa đổi chẳng phải đã làm khổ chúng ta quá nhiều rồi sao ?

Phạm Xuân Nguyên nói rằng: "Nhưng ở đây ông Hồ không chỉ nói về riêng về một cá nhân, một triều đại, ông khái quát bài học chung, ông rút ra tư tưởng lớn cho cả một trường kỳ lịch sử chống giặc phương Bắc của dân tộc Việt Nam. Chọn đoạn thơ này khắc vào bia đặt ở đền thờ Quang Trung, theo tôi, mới thật là đích đáng."

Dẫu rằng giá trị của đoạn thơ có đúng như lời bình của anh, tôi vẫn cho là không thích đáng, ít nhất là so với bài của GS Vũ Khiêu. Đừng bắt một cái bia nhỏ phải ôm đồm nhiều thứ như vậy. Nó là 1 tấm bia dành để ghi lại (và qua đó tôn vinh) võ công hiển hách của người được lập (cụ thể ở đây là anh hùng Nguyễn Huệ). Vậy thì hãy để nó làm điều đó trước tiên đi đã. Nó không nhất thiết phải khái quát bất cứ cái gì, hay chứa đựng bất cứ tư tưởng gì lớn lao, bởi vì tấm bia vốn là 1 phần trong quần thể kiến trúc đền thờ vua Quang Trung trên đỉnh núi Dũng Quyết. Và chính việc dựng đền thờ ấy đã khái quát rất nhiều thứ rồi, đã mang nhiều tư tưởng lớn lao rồi, đã gởi gắm rất nhiều điều muốn nói rồi.

Jul 20, 2011

9:00 AM - 6 comments

Sinh con trai nhớ đặt tên là Tiến


Em lấy chồng đi
Trăng đã vào 18
Lẻ loi,
Hơn nửa đời rồi

Em lấy chồng đi
Để anh hát bài tình phụ
Khúc ca của thời xưa cũ
Chưa từng,
Mãn kiếp trầm luân...

Em lấy chồng,
Nhớ mang cả tuổi xuân
Anh ở lại,
Rồi cũng thành thi sĩ
Nhặt lá mùa thu,
Xếp bài thơ nhàu nhĩ...
Đợi ngày,
Gió thổi sang sông...

Lấy chồng đi em,
Kẻo lại sắp mùa đông
Bầu ngực ấm,
Cũng cần vòng tay ấm
Biết không em, ngày sẽ trôi rất chậm
Anh sẽ cùng
Khói thuốc
Đợi mùa qua.

Em lấy chồng
Nếu tiếc những ngày xa
Sinh con trai nhớ đặt tên là Tiến
Mong mai sau, nó thành người lương thiện
Mỗi đêm về,
Không phải thức
Làm thơ ...

Jul 10, 2011

10:18 AM - No comments

IT - the simple life. More evidence

Một bằng chứng nữa cho entry hôm trước. Rõ ràng đây không phải là điều ngẫu nhiên: những triệu phú có lối sống giản dị đều là những người có liên hệ mật thiết với lĩnh vực IT.

Entry hôm trước tôi đưa ra nghi vấn, mà thực chất là một lời khẳng định, tuy chưa có lời giải thích hợp lý nhưng không phải là võ đoán.
Sẽ quay lại vào một lúc khác.

Google+

Tôi hơi ngạc nhiên khi những đại gia như Google, MicroSoft hay Yahoo lại để cho Facebook gần như độc diễn trong lĩnh vực mạng xã hội. Đáng lẽ với nền tảng và những ưu thế sẳn có của mình, họ phải chiếm một thị phần đáng kể trong lĩnh vực đầy béo bở này. Trong 3 đại gia trên, tôi đặc biệt đáng tiếc cho Google.

Nếu ai đã từng sử dụng 1 tài khoản Google thì sẽ dễ dàng chia sẻ cảm giác này với tôi. Phải nói rằng Google đã cung cấp cho người dùng rất nhiều tiện ích miễn phí cực kỳ ấn tượng. Từ Google Calendar để quản lý thời gian và lập lịch biểu, Google Picasa để quản lý và chia sẻ album ảnh, Google Docs để lưu trữ và soạn thảo các định dạng file tương thích với MS Office như excel, word, power point đến Google Sites, Google Blogs (blogspot)....

Blogspot của Google đặc biệt mạnh về khả năng tùy chỉnh giao diện người dùng. Ngoài hệ thống template sẳn có, blogspot còn cho phép bạn can thiệp css, nhúng java script để tạo một giao diện trang web cá nhân theo ý thích. Trình quản lý soạn thảo của blogspot gần như một wordpad với đầy đủ các chức năng cho phép người dùng định dạng kiểu chữ, font chữ, chèn link, hình ảnh, clip ...một cách dễ dàng nhằm tạo được một entry ấn tượng ít nhất là về mặt hình thức. Blogspot đồng thời còn cho phép bạn lưu trữ và quản lý các entry một cách rất khoa học và đơn giản ...Điểm yếu duy nhất của blogspot có lẽ là khả năng liên kết người dùng với nhau, không thể tạo nên một "networks". Cũng phải thôi, vì nó là 1 trang blog chứ không phải là 1 trang mạng xã hội.

Sự ra đời của Google+ được kỳ vọng sẽ đem lại một lựa chọn nữa cho người dùng mạng xã hội, đặc biệt là những ai yêu thích và gắn bó với nền tảng của Google. Tuy chỉ mới là bản thử nghiệm nhưng Google+ đã tạo ra một làn sóng nho nhỏ khi có rất nhiều người háo hức đăng ký thử nghiệm. Tôi sẽ trở lại với một bài viết chi tiết hơn về Google+.

Cá nhân tôi cho rằng, Google chẳng cần phải ra Google+ làm gì, cứ việc cải thiện blogspot hiện có, tăng cường khả năng liên kết người dùng và đa dạng hóa các ứng dụng đi kèm, biến nó thành một trang blog kiêm mạng xã hội (được không nhỉ ?) như vậy cũng đã đủ cạnh tranh với các mạng xã hội khác rồi. Dù sao, chúng ta cứ chờ thử xem tân bình này sẽ làm được những gì.

Jul 9, 2011

10:38 AM - No comments

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Một cuộc đối thoại thường ngày giữa 2 đồng nghiệp:

- Hey sir, mình đã finish task lúc nãy you nhờ rồi nhá. Tất cả các control đã được re-organize lại theo đúng ý you suggest. Kể cả cái menu cũng đã được làm smooth hơn. Đã up code lên server, you get về check lại giúp mình xem thử đã perfect chưa.

Hoặc:

- By the way, trước khi work nhớ backup lại source code nhá. Tốt nhất là nên copy sang 1 folder mới. Make sure là nếu có problem gì thì cũng còn có cái để reverse lại nha men !

Bạn thấy gì ? Việt Anh lẫn lộn - một thứ ngôn ngữ rất "ba rọi", chỉ có dân IT hiểu, dân kinh tế chưa chắc đã hiểu, bác xe ôm thì chắc chắn không thể hiểu.

Hãy thử viết lại 2 đoạn đối thoại trên bằng 1 thứ ngôn ngữ thuần Việt nhé:

-Này đại ca, mình đã hoàn thành công việc lúc nãy cậu nhờ rồi nhá. Tất cả các điều khiển đã được tổ chức lại đúng như ý cậu đề nghị. Kể cả cái thực đơn cũng đã được làm cho mượt hơn. Đã đưa mã nguồn lên máy chủ, cậu lấy về kiểm tra lại giúp mình xem thử đã hoàn hảo chưa.

-Tiện thể, trước khi làm nhớ sao lưu dự phòng lại mã nguồn nhé. Tốt nhất là nên sao chép sang một thư mục mới. Để đảm bảo là có vấn đề gì cũng còn có cái khôi phục lại ha !

Giờ thì thế nào ? bác xe ôm tội nghiệp của chúng ta vẫn không hiểu, dân kinh tế nói chung không hiểu và ngay cả dân IT cũng chưa chắc đã hiểu :)

IT là một ngành mới, ngữ vựng gốc phần lớn xuất phát từ tiếng Anh, ở nhiều quốc gia, người ta vay mượn chính từ tiếng Anh đó để sử dụng trong hệ thống ngôn ngữ của mình. Đôi khi cũng có từ vựng tương ứng nhưng chẳng ai muốn dùng vì phần lớn đều tối nghĩa khi đặt trong văn cảnh cụ thể, chẳng hạn ở Việt Nam ta, nói copy, paste, menu, link, popup ... dễ hiểu hơn là nhân bản, dán, thực đơn hay đường dẫn, thậm chí từ popup chẳng biết dịch ra tiếng Việt như thế nào.

Hậu quả là chúng ta có 1 thứ ngôn ngữ "ba rọi". Cái thứ ngôn ngữ "ba rọi" ấy, rất phi lý, lại được dùng phổ biến và không thể phủ nhận chính nó lại tỏ ra ưu việt hơn xét theo góc độ truyền tải thông tin so với ngôn ngữ "thuần chủng". Theo thời gian và thói quen, thứ ngôn ngữ ba rọi ấy không tự giới hạn ở 4 bức tường công sở, nó chạy thẳng về nhà, ra cả ngoài phố.

Có cách nào ngăn chặn tình trạng này, hòng bảo lưu 1 thứ tiếng Việt thuần chủng, trong sáng mà ông cha ta đã dày công sáng tạo và vun đắp qua hàng ngàn năm? Câu trả lời khá đơn giản nhưng cũng rất bất ngờ. Hãy xem tôi viết lại đoạn đối thoại trên nhé:

-Hey sir, I've just finished the task you requested. All controls were re-organized follow your suggest. Event the menu, it was made smoother. Had uploaded source codes to the server, please get and re-check if it has been perfected.

- By the way, before working, remember to backup source code, please. You'd better copy to a new folder, Make sure if it has any problem, you have something to reverse men !

Vậy đấy, nghe có vẻ hơi điên khùng, nhưng học và sử dụng tốt tiếng Anh khi cần thiết chính là cách tốt nhất giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt là trong môi trường công sở hiện nay.

Mùa hè của tôi

Cũng gần 10 mùa hè rồi không về quê, không được cảm nhận cái nắng gay gắt miền Trung. Ngày còn sinh viên, cứ mỗi bận nghỉ hè là tìm cách ở lại thành phố, tiếng là đi học ngoại ngữ nhưng thực chất suốt ngày ngủ vùi, rồi đàn đúm nhậu nhẹt. Rồi mùa hè cũng qua, thoảng thốt xách ba lô chạy vội ra bến xe, về tới nhà cũng đã là những ngày cuối tháng 8. Đã là đầu thu...

Tôi vẫn lưu giữ những ký ức đẹp về mùa hè quê mình. Có lẽ mùa hè của tôi đẹp vì nó mang theo cả những háo hức rất hồn nhiên của một đứa trẻ. Tôi vốn ham chơi. Mùa hè của tôi là mùa chơi. Năm nào cũng vậy, đêm đầu tiên được nghỉ hè, tôi thức thật khuya để cảm nhận được sự tự do mình vừa có được. Sẽ có gần 90 ngày không phải thức khuya bài vở, không phải dậy sớm học bài. Ồ, chỉ riêng điều đó thôi đã tuyệt làm sao !

Mùa hè của tôi là những buổi sáng ngủ muộn, ăn vội chén cơm rồi dong bò đi thả. Tôi không yêu bò như Nhẫn trong Cỏ non của Hồ Phương, nhưng tôi thích thả bò. Mỗi ngày thả bỏ với bọn trẻ chúng tôi là một cuộc vui chơi bất tận.

Buổi sáng chúng tôi lùa bò lên ngọn núi sau nhà. Để mặc chúng tự do ăn lá cây rừng, chúng tôi lang thang khắp nơi hái trái cây và tìm tổ chim non. Sim, chà là và quả của cây bông trang, đôi khi có cả trái dẻ và chôm chôm rừng, nhiêu đó cũng đủ để bọn trẻ chúng tôi bỏ cả cơm trưa. Thỉ thoảng tôi tách nhóm, một mình len lén đi thăm tổ chim quành quạch nằm trên tán cây gạc ba cao ngang tầm mắt vừa mới tìm thấy hôm trước, lòng háo hức chờ đến ngày chim non đủ lớn sẽ bắt về nuôi. Mỗi lần lên đến đỉnh đồi, chúng tôi lại chơi trò đố nhau chổ nào là má, chổ nào là dì trong từng nhúm người li ti ở phía cánh đồng xa tít dưới kia, rồi thi nhau vẫy tay la hét đến khản cổ với hy vọng họ có thể nghe thấy và xác nhận. Mặc dù họ chẳng bao giờ nghe được, nhưng trò chơi vẫn không vì thế mà kém hấp dẫn.

Lại có những ngày chúng tôi lùa bò xuống đồng. Mùa hạ thiếu nước canh tác, cả cánh đồng bỏ hoang nứt nẻ, cỏ mọc từng nhúm. Đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, bọn trẻ con chúng tôi đi đào trộm củ mì, bẻ bắp nướng ăn. Khát nước thì đã có dừa trên cây. Những quả dừa chưa bao giờ có cơ hội để già, vừa mới đủ nước đã bị vặt xuống, rơi từ trên cao tới đất liền bị nứt tới sọ, nước rỉ ra qua một lớp vỏ dày. Đó là thứ nước uống thường ngày của bọn trẻ chúng tôi.

Những ngày hè xuống đồng chúng tôi chặn mương tát cá. Gặp con lia thia đẹp thì đem về nuôi trong chai 65, nếu không chết ngạt thì vài hôm thế nào cũng bị thằn lằn câu mất, những con khác bị nướng ngay tại chổ. Chơi chán chúng tôi lại mang cả thân hình lem luốc bùn đất nhảy ùm xuống suối, rồi thi nhau lặn xem ai nín thở lâu hơn. Chiều vừa tắt nắng, bọ con trai chia phe đá banh, hôm thì trái bưởi được nướng chín cho mềm đi, hôm thì quả bóng nhựa đã bị thủng, được nhét rơm trong ruột và khâu lại kỹ càng. Hôm nào cũng vậy, đến tối mịt mới lùa bò về, trong bộ dạng lấm lem và mồ hôi ướt đẫm.

Mùa hè của tôi còn là những buổi chạng vạng chạy ra giếng xối vội đôi gàu nước, ăn vội bát cơm rồi hẹn nhau ở 1 khoảnh sân của nhà một đứa nào đó, chơi năm mười, chơi bắn bùm. Có hôm chúng tôi rủ nhau đi đào đậu phộng hay bẻ mía trộm ở 1 khoảnh ruộng đã để ý từ chiều. Hôm nào có tiền, chúng tôi thay nhau chạy tít xuống thị trấn thuê phim về coi, để rồi tối về nằm ngủ mơ mình trở thành Dương Quá, học được thần công và cưới được Cô Long xinh đẹp nhưng trước sau vẫn còn đủ 2 tay...

Mùa hè của tôi chính là tuổi thơ của tôi. Là cái xóm nhỏ mà tôi đã lớn lên từ đó, nơi mùi mít chín xen lẫn với mùi xoài, mùi ổi. Là những trưa hừng hực nắng như muốn thiêu người trong tiếng ve rả rích. Tiếng ve đó, mãi sau này tôi mới hiểu, là giai điệu tuyệt vời nhất mà không bản giao hưởng nào sánh được. Nó vang dội từ ngày đó đến giờ. Và cho mãi về sau.