Jul 28, 2011

Đừng "nâng cao quan điểm"

Đây là bài văn viết theo thể biền ngẫu do giáo sư Vũ Khiêu chấp bút, được dự định sẽ thay thế cho bài thơ của Hồ Chí Minh (đã khắc lên bia đá) đang gây nhiều tranh cãi mấy hôm nay.

Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung
Vinh quang thay! Danh trấn Nghệ An
Vĩ đại thay! Anh hùng Nguyễn Huệ.
Núi sông hùng vĩ, ngàn năm vượng khí anh linh;
Trời biển tung hoành, một vị hùng tài cái thế.
Tổ bốn đời từ Thái Lão, Hưng Nguyên – Đường vạn dặm vào Tây Sơn, Kiên Mỹ.
Năm Tân Mão (1771) cùng huynh trưởng phất cờ khởi nghĩa lúc Nam chinh, khi Bắc chiến rực rỡ công lao;
Xuân Kỷ Dậu (1789) vì nhân dân hành đạo thay trời trừ nội phản, diệt ngoại xâm lẫy lừng uy thế.
Một trận ra quân vào Rạch Gầm – Xoài Mút đánh chìm ba trăm thuyền vùi xác giặc Chiêu Tăng;
Năm ngày thần tốc tới Khương Thượng – Đống Đa đại phá hai chín vạn tan hồn quân Sỹ Nghị.
Bảo toàn bờ cõi mở vận thanh bình – Quét sạch ngoại xâm xây nền thịnh trị.
Khuyến nông trọng sỹ phát triển công thương – Rèn tướng luyện quân tăng cường võ bị.
Kinh bang tế thế, định bốn phương một hướng đi lên;
An quốc hộ dân, lưu vạn đại trăm bài học quý.
Một thời ngang dọc dưới trời Nam – Bao bận đi về trên đất Nghệ.
Quê xưa họ cũ uống nước nhớ nguồn – Người giỏi đất thiêng sâu tình nặng nghĩa.
Mậu Thân (1788) vừa hạ chiếu dựng Trung Đô;
Nhâm Tý (1792) đã băng hà rời cõi thế.
Xây hoàng cung chưa kịp hoàn thành – Gặp biến cố trở nên hoang phế.
Ngày nay:
Trên núi cao Dũng Quyết uy nghi – Dưới nền cũ Trung Đô hùng vĩ
Đền thiêng tọa lạc thờ bậc thiên tài – Đại điện tôn nghiêm tri ân thánh đế.
Công huân vang dội cổ kim – Ân đức bao trùm trời bể.
Binh cường, quốc phú lược thao nối chí tiền nhân;
Trí tráng, tâm hùng chính khí soi dài hậu thế.
Còn đây là bài thơ của Hồ Chí Minh:

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà...
Theo cái nghĩa văn bia dựng lên để ghi lại và tôn vinh công trạng của tiền nhân (như tấm bia này) thì tôi cho rằng bài viết của GS Vũ Khiêu hay hơn, đầy đủ hơn, nó khái quát được sự nghiệp của Nguyễn Huệ cũng như những công trạng của ông, không chỉ trên lĩnh vực quân sự mà còn trong lĩnh vực đối nội, đối ngoại... Đọc và nhớ những lời lẽ ngắn gọn trên tấm bia là đủ kiến thức cho 1 người bình thường khi nghĩ về công trạng của người anh hùng áo vải.

Bỏ đi những lùm xùm về từ ngữ (từ "kẻ"). Bài thơ của cụ Hồ không làm được điều đó.

Theo quan điểm cá nhân tôi, văn phong khắc trên văn bia phải có được vẻ trang nghiêm, súc tích. Tôi thấy người ta hay chọn kiểu văn biền ngẫu để viết văn bia, đó là một lựa chọn hợp lý.

Bài thơ của cụ Hồ thực chất là một bài diễn nôm. Tôi thấy không trang trọng cho lắm. Cố nhiên, bình như Phạm Xuân Nguyên: Nguyễn Huệ là anh hùng áo vải, ăn nói dân dã, văn vần/thơ diễn nôm như thế là hợp với phong cách của tiền nhân. Nói như vậy cũng khó mà cãi.

Lời lãnh tụ tùy ngữ cảnh có thể đúng hoặc sai, hay hoặc dỡ, thiếu hoặc đủ. Và thậm chí còn tùy theo cảm nhận của mỗi người. Từ việc thay bia chỉ có thể đi đến phê phán cách làm việc ẩu tả và thiếu khoa học của những người có trách nhiệm. Nói họ "bịt miệng Hồ Chí Minh", đục bỏ lời lãnh tụ là quá khắc khe rồi. Còn như "nâng cao quan điểm" (nói theo lời của 1 vị chức sắc Nghệ An) thành hèn hạ, sợ Tàu thì quả là bất công rồi.

"Năm ngày thần tốc tới Khương Thượng – Đống Đa đại phá hai chín vạn tan hồn quân Sỹ Nghị." Lời lẽ như thế, sao lại bảo người ta sợ Tàu được ?

Mặc dù rất hâm mộ Phạm Xuân Nguyên, nhưng tôi thấy tinh thần cảnh giác lần này đã đưa anh (tôi thích gọi thế, mặc dù Phạm Xuân Nguyên hơn tôi cả mấy thế hệ) đi hơi xa rồi, khiến anh nhìn đâu cũng thấy toàn Việt gian bán nước cả. Đọc bài viết thứ 2, tôi thấy thay vì dùng danh từ Bác Hồ, Người ...như xưa nay mọi người vẫn thường, anh dùng "ông Hồ" để chỉ Hồ Chí Minh. Tôi có thể cảm nhận là Phạm Xuân Nguyên đang cố trả lại vị trí bình thường cho ông Hồ (bản thân tôi cũng thích thế), vậy thì sao không trả luôn vị trí bình thường cho những lời ông cụ nói, thơ/văn ông cụ viết, mà còn vấn vương giữ lại chúng như là "lời của lãnh tụ" ?. Cái tư duy xơ cứng: lời của lãnh tụ là khuôn vàng thước ngọc, là minh triết, là đỉnh cao trí tuệ, là bất khả thay thế, bất khả sửa đổi chẳng phải đã làm khổ chúng ta quá nhiều rồi sao ?

Phạm Xuân Nguyên nói rằng: "Nhưng ở đây ông Hồ không chỉ nói về riêng về một cá nhân, một triều đại, ông khái quát bài học chung, ông rút ra tư tưởng lớn cho cả một trường kỳ lịch sử chống giặc phương Bắc của dân tộc Việt Nam. Chọn đoạn thơ này khắc vào bia đặt ở đền thờ Quang Trung, theo tôi, mới thật là đích đáng."

Dẫu rằng giá trị của đoạn thơ có đúng như lời bình của anh, tôi vẫn cho là không thích đáng, ít nhất là so với bài của GS Vũ Khiêu. Đừng bắt một cái bia nhỏ phải ôm đồm nhiều thứ như vậy. Nó là 1 tấm bia dành để ghi lại (và qua đó tôn vinh) võ công hiển hách của người được lập (cụ thể ở đây là anh hùng Nguyễn Huệ). Vậy thì hãy để nó làm điều đó trước tiên đi đã. Nó không nhất thiết phải khái quát bất cứ cái gì, hay chứa đựng bất cứ tư tưởng gì lớn lao, bởi vì tấm bia vốn là 1 phần trong quần thể kiến trúc đền thờ vua Quang Trung trên đỉnh núi Dũng Quyết. Và chính việc dựng đền thờ ấy đã khái quát rất nhiều thứ rồi, đã mang nhiều tư tưởng lớn lao rồi, đã gởi gắm rất nhiều điều muốn nói rồi.

0 comments:

Post a Comment