10:00 PM -
Suy ngẫm
No comments
Tự thấy xấu hổ
Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua thấy Hoài Văn Hầu Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ :"Phá cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước vương."
Trần Quốc Toản sinh năm 1267. Hội nghị Bình Than mở năm 1282, tức lúc đó ông mới có 15 tuổi.
Nguyễn Huệ (sinh năm 1753), lần đầu tiên cầm quân là năm 1775 trong trận Phú Yên. Ông đã đánh bại đội quân của chúa Nguyễn do Tống Phước Hiệp chỉ huy, năm đó ông 22 tuổi.
Cố tổng bí thư Đảng CS Trần Phú năm 21 tuổi đã tham gia hội Phục Việt ở Vinh. Ông soạn thảo Luận cương chính trị nổi tiếng ở tuổi 26.
Lại 1 tổng bí thư nữa, Nguyễn Văn Cừ 17 tuổi đã vào đảng CS. 26 tuổi ông thay Hà Huy Tập giữ chức tổng bí thư. Qua đây cũng thấy rằng từ những ngày đầu thành lập, trọng trách xây dựng và lãnh đạo đảng CS đã được đặt trên vai của những con người còn rất trẻ. Trẻ, nhưng không thiếu nhiệt huyết, tài năng và tấm lòng đối với dân tộc.
Trần Văn Ơn, 19 tuổi, học sinh Pétrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong) đã chết dưới làn đạn oan nghiệt của chính quyền thực dân Pháp trong một cuộc biểu tình lớn của hơn 6000 học sinh - sinh viên khắp Sài Gòn - Gia Định yêu cầu chính quyền thực dân thả ngay những học sinh - sinh viên bị bắt trong một cuộc biểu tình trước đó nhân kỷ niệm 9 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa.
Ngay cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng bị đuổi học vì tham gia phong trào chống thuế khi còn là một cậu học sinh ở trường Quốc học Huế.
Tôi có thể ngồi cả ngày để kể ra đây những tấm gương như thế. Dân tộc Việt Nam trong bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng có thể sản sinh ra (và rất nhiều) những anh hùng xuất thiếu niên. Cái duy nhất họ thiếu là tuổi đời, còn lại, họ có đầy đủ tất cả: tài năng, nhiệt huyết tuổi trẻ,tấm lòng với dân tộc và đặc biệt, đó là ý thức làm người cực kỳ rõ ràng và mạnh mẽ - điều mà không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với số năm tồn tại.
Quay về hiện tại.
Mấy hôm nay xôn xao chuyện anh chàng sinh viên 9x Nguyễn Anh Tuấn viết đơn tự thú. Điểm qua các bình luận trên mạng thì hầu hết đều khâm phục trước việc làm của chành sinh viên trẻ. Nhiều người ngả mũ trước anh và tự nhận mình hèn (ít ra cũng là một thằng hèn thành thật, không giống như những kẻ vừa hèn vừa dối trá !), tuy nhiên vẫn có một số người lên tiếng chê bai Nguyễn Anh Tuấn. Có 2 luồng nhận định cho nhóm người này:
1. Tuấn còn trẻ, biết gì về chính trị mà bàn, hãy lo học hành đường hoàng để làm vui lòng cha mẹ Đó mới là lựa chọn tốt.
Họ sai lầm ở 2 điểm:
a) Vụ án Cù Huy Hà Vũ tuy là 1 vụ án chính trị, nhưng vấn đề của nó đã không dừng lại ở khía cạnh chỉnh trị nữa. Nó đã trở thành vấn đề của văn hóa ứng xử (với những quan điểm dị biệt), vấn đề của sự tiến bộ xã hội, của quyền con người. Và trên hết, nó là vấn đề của thời đại.
b) Thay vì chỉ ra sai lầm thứ 2, tôi xin hỏi một câu hỏi: Bao giờ thì một người được coi là trưởng thành, được quyền thể hiện quan điểm cá nhân ở tất cả mọi vấn đề, kể cả vấn đề nhạy cảm như chính trị ? Khi đã có việc làm, có gia đình vợ con, có địa vị xã hội ? Khi ra nước ngoài định cư, có quốc tịch Anh, Mỹ hay đợi đến khi về hưu về già mới cất lên tiếng nói yếu ớt hòng tìm lại chính mình?
2. Tuấn hoặc là thằng lõi đời tự PR cho mình, hoặc là thằng ảo tưởng về bản thân.
Cái mũ ảo tưởng đủ rộng để có thể chụp lên đâu bất cứ ai, vì nó đã quá thông dụng nên tôi không muốn bàn về nó nữa, chỉ muốn nói thêm 1 điều: chúng ta đang sống trong một xã hội mà hiện trạng bi đát của nó được hình thành từ những ao tưởng mà ai cũng biết là-cái-gì-đó, nhưng chẳng ai muốn thừa nhận điều đó.
Còn về trường hợp ai đó cho rằng Nguyễn Anh Tuấn lõi đời tự PR cho mình, tôi nghĩ họ đọc báo lá cải quá nhiều (có tờ báo nào hiện nay mà không lá cải ?). Họ, vì trí tuệ có giới hạn và bị ám ảnh bởi sự xuống cấp của đạo đức xã hội (điều này có thật, nhưng vấn đề là họ tin rằng xã hội này vốn dĩ như thế và ai ai cũng đều như thế), đã không tự phân biệt được sự khác nhau giữa một cô ca sĩ đánh đổi sĩ diện để lấy sự nổi tiếng (và dĩ nhiên kèm theo đó tiền bạc) với một chàng thanh niên đánh đổi tự do và sinh mạng chính trị để được làm một con người-không-hèn-nhát, như anh nói.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng: tôi, một 8x, viết bài này vì tự thấy xấu hổ.