Oct 3, 2012

11:55 PM - No comments

Về sự cầu thị

Nghe đâu hôm trước họp báo sau scandal The Voice, Mr Đàm hỏi phóng viên: "các anh muốn gì cứ nói thẳng". Mặc dù chưa bao giờ có thiện cảm với truyền thông Việt Nam hiện tại, nhưng tôi cũng thấy tức cười cho câu hỏi của ông hoàng nhạc Việt. Hơn ai hết, anh biết mối quan hệ giữa showbiz Việt và truyền thông lá cải là mối quan hệ cộng sinh. Các anh nhờ họ mà nổi tiếng, họ nhờ các anh mà tồn tại. Đã chơi với quỷ thì cũng nên tính trước có ngày nó sẽ đưa mình xuống địa ngục, cũng giống như muốn chơi dao thì phải chấp nhận có ngày bị đứt tay.

Nhưng đó không phải là chuyện muốn nói hôm nay.

Vừa rồi báo chí đưa tin, chú ba Đức "nóng mặt", đòi S&P rút tên Hoàng Anh Gia Lai (HAG) trong tất cả các bảng đánh giá tín nhiệm của họ. Nguyên nhân là S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp dài hạn của HAG ở mức “B-”

Rõ ràng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường thế giới, rất cần những bảng đánh giá tín nhiệm của các tổ chức lớn như S&P, Moody's ... Nhà đầu tư quốc tế trong quá trình phân tích doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư, sẽ tham khảo những bảng đánh giá như thế này để biết được sức khỏe của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Nếu 1 doanh nghiệp được xếp hạng AAA, hay A thì không còn gì bằng, còn nếu bị xếp vào nhóm B, hay C thì quả nhiên sẽ là một bất lợi. Nhưng đã bước vào cuộc chơi thì phải biết chấp nhận thực tế. Nếu bị xếp hạng yếu kém, doanh nghiệp nên xem lại bản thân mình hơn là tỏ ra giận dỗi kiểu trẻ con. Nghỉ chơi với S&P chỉ có tác dụng kéo dài thêm con đường hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam ra mà thôi.

Trong một ngữ cảnh lớn hơn, rất thường thấy chính phủ Việt Nam có những động thái háo hức và tung hô thái quá với những xếp hạng của các tổ chức quốc tế nếu trong đó Việt Nam được đánh giá tích cực, cho dù những xếp hạng ấy được thực hiện bởi những tổ chức trời ơi đất hỡi và bảng xếp hạng cũng chẳng có nhiều ý nghĩa. Ví dụ người Việt được đánh giá là hạnh phúc thứ 2 thế giới (?), vịnh Hạ Long bầu chọn là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới ...trong khi những đánh giá nghiêm túc và quan trọng hơn, như mức độ vi phạm nhân quyền, tự do báo chí (Việt Nam thường bị đánh giá tiêu cực) thì chẳng bao giờ nghe nói, hoặc ngay lập tức sẽ bị chính quyền phản bác...

Một con người, một tổ chức, hay một quốc gia, muốn trưởng thành thì phải có tinh thần cầu thị. Dám chơi thì phải dám chịu. Muốn nghe lời khen tặng thì cũng phải chấp nhận sự chê bai. Hành xử theo kiểu trẻ con chỉ thể hiện sự non nớt, tính ích kỷ. Một đứa trẻ không có tinh thần cầu thị sẽ chẳng bao giờ có thể lớn lên được.





0 comments:

Post a Comment