Đợt đó, 10h đêm thằng Đạo còn chạy qua mình: - Mẹ tao mới gọi, có mấy đứa sinh viên khoa kinh tế đi mùa hè xanh đang ở nhà tao. - Có con gái hông ? - 2 đứa ! - Dễ thương hông ? - Mẹ tao bảo dễ thương. - Hai thằng mình về Bình Phước đi ! - Khi nào ? - Bây giờ !
11h đêm, hai thằng trèo lên chiếc Wave Alpha phi một mạch. Đường 14 lúc đó còn chưa rộng như bây giờ, chỉ có 2 làn xe, mình cứ ôm theo làn vôi trắng mà chạy. Về tới thị trấn Đức Phong đúng 3h sáng. Bà già nó ra mở cửa thấy 2 thằng giật mình.
Sáng ra gặp mấy em gái, mình cằn nhằn: tao bị lừa ! Nó cười he he: hiểu con không ai bằng mẹ, nghỉ hè tao lấy cớ học Anh Văn trốn biệt ở Sài Gòn ăn nhậu với mày, chỉ có cách này tao mới chịu về nhà thôi.
Dù sao đó cũng là một mùa hè đáng nhớ. Có dịp sẽ kể về chuyện này sau. Mới đó mà cũng đã 6 năm.
*****************************************
Hôm nay có dịp chạy lại tuyến đường 14. Con đường từ giao điểm giữa quốc lộ 13 và quốc lộ 14 đến thị xã Đồng Xoài giờ đã rộng rãi hơn xưa nhiều, mình tí tửng thế nào lại quất một mạch lên tới thị trấn Phước Long, đến lúc biết nhầm đường thì đã muộn, đành phải xuôi theo tỉnh lộ 759 ngược ra. Thành ra chạy nguyên 1 vòng tròn, xa hơn dự tính 30km.
Quốc lộ 14 đoạn từ thị xã Đồng Xoài về Bù Đăng đang mở rộng nên khá xấu, đầy những ổ gà ổ voi. Vừa chạy vừa xót cho chiếc xe. Về tới Bù Đăng, đang chạy thì nghe cái "phạch", biết là rớt cái gì đó nhưng đéo biết là cái gì. Thắng xe cái két, lon ton chạy lại thì thấy cái biển số xe của mình nằm chình ình dưới đất. Khiếp ! Cứ tưởng rớt cái máy ảnh thì có mà đi ăn mày, he he. Cũng chả hiểu chạy thế đéo nào mà cái biển số lại rớt ra được.
*****************************************
Hơn 2h chiều mới tới được Đức Phong, ghé vào lắp lại cái biển số rồi chạy vào trảng cỏ Bù Lạch, tiện đường ghé rẫy điều thăm ông già thằng Đạo. Mịa cái thằng Đạo, nhà có 7 hecta điều mà chỉ có hai ông bà già lọ mọ sáng đi tối về, còn nó chạy tót xuống thành phố làm nô lệ cho người ta. Nghĩ chán cảnh đời.
4h thì tới trảng cỏ. Nhìn cái trảng cỏ lại nhớ tới câu chuyện đời xưa ông Trạng Quỳnh trả tiền đi đò mà bà ngoại hay kể. Xót chiếc xe lặn lội 30 cây số đường rừng cả đi lẫn về. Vừa đi vừa sợ không biết nó có rớt cái gì nữa không, lần này mà rớt thì chỉ có nước là rớt bánh :). Trên đường ra mới nhớ là trưa giờ chưa ăn gì. Sáng ăn vội đĩa bánh rồi chạy tới giờ, lúc ở thị trấn Đức Phong định kiếm gì ăn nhưng sợ vào trảng cỏ trễ quá hết nắng không chụp hình được nên tặc lưỡi chạy luôn. Tấp đại lề đường mua gói mỳ tôm với chai nước suối, vừa chạy vừa lấy miệng xé gói mỳ, gặp nham nhở như chuột. Nghĩ lên voi xuống chó, thiệt là thương mình quá đi.
*****************************************
Đoạn từ cuối Bù Đăng đến thị xã Gia Nghĩa trời mưa lâm râm suốt. Lúc sáng đi lại quên đem theo áo mưa. Hơi lạnh. Về đến Gia Nghĩa cũng hơn 6h. Mừng rơi nước mắt :). Nhìn lại đồng hồ công tơ mét, hôm nay đi được 280 km.
Thị xã Gia Nghĩa nằm ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên, những con dốc ngoằn ngoèo uống lượn, những ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi...Thủ phủ của tỉnh Đăk Nông làm mình nhớ tới Đà Lạt. Nhưng hình như Gia Nghĩa vẫn còn thiếu cái gì đó. Một chút lạnh và một chút ánh sáng chăng ?
Đôi giày và ống quần Jean của mình nhuốm đầy đất đỏ. Đất Bazan của Tây Nguyên.
Ban đầu, "lost generation" là khái niệm dùng để chỉ lớp người trưởng thành trong thế chiến thứ I, nó được sử dụng lần đầu tiên bởi Ernest Hemingway. Thực ra theo Hemingway, Gertrude Stein mới chính là tác giả của khải niệm này.
Sau này "lost generation" được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, vẫn để chỉ một thế hệ lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội đặc thù nào đó nhưng nội hàm của nó đã có những khác biệt.
Nhật Bản những năm 1960 có một "lost generation", bạn nào đọc tiểu thuyết Rừng NaUy thì biết. Một lớp những người trẻ cô đơn và nổiloạn, họ ghê tởm những định kiến ngu xuẩn và thói đạo đức giả. Họ đắm chìm trong nhạc Rock & Roll và rượu mạnh. Họ làm tình và chửi thề. Họ sợ mình chìm nghỉm trong đám đông nhưng không thể cưỡng lại dòng chảy ào ạt của văn hóa phương Tây. Đó là kết quả tất yếu của một nền kinh tế đang đi vào giai đoạn bước ngoặc. Xã hội phát triển vũ bão và những thang giá trị thay đổi liên tục. Con người - vốn bé nhỏ và hoài cổ, bổng chốc cảm thấy hụt hẫng và vơ vơ.
Những người trẻ Trung Quốc trưởng thành trong giai đoạn cách mạng văn hóa cũng được xem là một "lost generation". Họ bỏ cả tuổi trẻ để đi hô khẩu hiệu, theo đuổi lý tưởng Maoist và tôn sùng chủ nghĩa cả nhân. Họ bị biến thành những hồng vệ binh vô cảm để tham gia đấu tố, gây ra cảnh tan cửa nát nhà cho biêt bao người. "Lost generation" trong hoàn cảnh này có thể hiểu là "thế hệ bị đánh mất", nó gần hơn hết với nghĩa gốc của khái niệm.
Trung Quốc còn có một "lost generation" nữa, ít ra thì có một số người nhìn nhận như vậy. Đó là thế hệ 8x trưởng thành vào đúng giai đoạn vươn mình của con rồng kinh tế Trung Hoa. Cũng giống như nước Nhật những năm 1960, Trung Quốc cũng kịp hình thành nên một lớp trẻ chỉ biết sống hưởng thụ, cô đơn và nổi loạn. "Lost generation" này, giống như "lost generation" của Nhật, có lẽ nên hiểu là "thế hệ bị tha hóa" chứ không phải "thế hệ bị đánh mất".
Có hay không một "lost generation" ở Việt Nam ? Mình cho là có. Đó là thế hệ đang trưởng thành trong chính giai đoạn hiện nay. Mặt trái của sự phát triển của kinh tế, sự suy đồi của đạo đức xã hội, sự vô trách nhiệm của báo chí ...đang góp phần tạo nên 1 "lost generation" chính hiệu Việt Nam.
Vấn đề là không biết dùng 1 từ tiếng Việt nào để dịch cho đúng "lost generation made in Vietnam". "Thế hệ bị đánh mất" thì không phải, "thế hệ bị tha hóa" cũng chưa hẳn đúng. Suy cho cùng những "lost generation" của Nhật Bản, Trung Quốc, họ sống thực dụng và nổi loạn cũng chỉ vì họ muốn chứng tỏ mình, họ vẫy vùng giữa dòng chảy khắc nghiệt của sự thay đổi cũng chỉ cố tìm cách để thiên hạ nhận ra họ giữa một rừng những cái tôi đang chực nhạt nhòa, đang chực hòa vào nhau. Bọn trẻ Việt Nam thì khác, chúng chẳng nổi loạn, chúng chỉ biết khóc lóc khi không thể chen chân vào đám đống để ngắm cho được thần tượng và rồi tranh nhau để được hôn vào ghế anh ta. Chúng không cần cái tôi và sẳn sàng vứt bỏ nó. Một thế hệ yếu đuối và xin lỗi nếu phải dùng thêm từ bệnh hoạn.
Kết entry này, xin dẫn lời của ông Lý Quang Diệu: "Khi trưởng thành, tất cả đều biết cách tự điều chỉnh bản thân. Cứ để họ nghĩ theo cách của họ". Ngẫm lại những "lost generation" của Nhật Bản, Trung Quốc thì quả có thế thật. Nhưng "lost generation" của Việt Nam, mình thật sự không tin lắm. Vì đơn giản, họ có nghĩ gì đâu ?
Có bao giờ bạn bỏ thời gian truy nguyên nguồn gốc của một từ ? Đôi khi cũng có nhiều thú vị phếch đấy.
Tại sao người ta gọi là bò né ? đơn giản khi chế biến phải bỏ miếng thịt vào chảo dầu đang sôi nên phải ...né.
Bò lúc lắc thì sao ? bạn nào đã biết cách chế biến món này thì câu trả lời rất đơn giản: muốn chế biến món này thì phải liên tục lắc lư cái chảo.
Chuyện kể rằng trên sóng radio của Sài Gòn ngày xưa (chả biết trước hay sau 75) có một nhân vật tên là Tám chuyên lượm lặt những chuyện trên trời dưới đất trong nhà ngoài phố để ...tám. Nói chung cô/bà Tám này rất rất tốt chuyện, kiểu như Oprah Winfrey của Mỹ bây giờ :) . Riết rồi những ai ngồi lê đôi mách, hay buông chuyện bao đồng đều được đem so sánh với cô/bà Tám trên đài phát thanh. "Bà tám" xuất phát từ đó.
Thế còn từ "phượt" ? Nó cũng chính là nguyên nhân mình viết entry này. Quả thật chẳng hiểu tại sao dân tình lại gọi kiểu du lịch bụi, ăn bụi, ngủ bụi, nói chung tùy hứng và nhiều khi chẳng cần vạch trước lộ trình là đi "phượt". Rõ ràng nó là 1 từ lóng, xuất hiện cách đây không lâu nhưng lại không thể truy ra nguồn gốc của nó. Chính vì không thể truy ra nguồn gốc nên nên mình không bao giờ dùng và cũng rất không ưa những ai dùng từ "phượt" để nói về 1 kiểu du lịch rất lãng tử và thú vị. Nói mà không hiểu mình nói gì thì chẳng khác gì một con vịt đang kêu cạp cạp.
Google cả buổi chả thấy có một giải thích nào nghiêm túc. Tra từ điển thì thấy có 1 từ "lượt bượt", từ này đồng nghĩa với "lướt thướt", tiếng Anh dịch ra là Flowing. Kiểu du lịch mình nói ở trên có vẻ cũng rất chi là flowing, tức là cứ mặc cho gió thổi mây bay, trôi về đâu thì trôi đến khi nào chán thì thôi :). "lượt bượt" -> "lượt phượt" -> "phượt". Nó đây chăng ?
Dù sao, mình cũng rất ác cảm với từ này và thề sẽ không dùng nó cho đến khi nào truy nguyên được nguồn gốc.