Mar 28, 2012

Lost generation

Ban đầu, "lost generation" là khái niệm dùng để chỉ lớp người trưởng thành trong thế chiến thứ I, nó được sử dụng lần đầu tiên bởi Ernest Hemingway. Thực ra theo Hemingway, Gertrude Stein mới chính là tác giả của khải niệm này.

Sau này "lost generation" được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, vẫn để chỉ một thế hệ lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội đặc thù nào đó nhưng nội hàm của nó đã có những khác biệt.

Nhật Bản những năm 1960 có một "lost generation", bạn nào đọc tiểu thuyết Rừng NaUy thì biết. Một lớp những người trẻ cô đơn và nổiloạn, họ ghê tởm những định kiến ngu xuẩn và thói đạo đức giả. Họ đắm chìm trong nhạc Rock & Roll và rượu mạnh. Họ làm tình và chửi thề. Họ sợ mình chìm nghỉm trong đám đông nhưng không thể cưỡng lại dòng chảy ào ạt của văn hóa phương Tây. Đó là kết quả tất yếu của một nền kinh tế đang đi vào giai đoạn bước ngoặc. Xã hội phát triển vũ bão và những thang giá trị thay đổi liên tục. Con người - vốn bé nhỏ và hoài cổ, bổng chốc cảm thấy hụt hẫng và vơ vơ.

Những người trẻ Trung Quốc trưởng thành trong giai đoạn cách mạng văn hóa cũng được xem là một "lost generation". Họ bỏ cả tuổi trẻ để đi hô khẩu hiệu, theo đuổi lý tưởng Maoist và tôn sùng chủ nghĩa cả nhân. Họ bị biến thành những hồng vệ binh vô cảm để tham gia đấu tố, gây ra cảnh tan cửa nát nhà cho biêt bao người. "Lost generation" trong hoàn cảnh này có thể hiểu là "thế hệ bị đánh mất", nó gần hơn hết với nghĩa gốc của khái niệm.

Trung Quốc còn có một "lost generation" nữa, ít ra thì có một số người nhìn nhận như vậy. Đó là thế hệ 8x trưởng thành vào đúng giai đoạn vươn mình của con rồng kinh tế Trung Hoa. Cũng giống như nước Nhật những năm 1960, Trung Quốc cũng kịp hình thành nên một lớp trẻ chỉ biết sống hưởng thụ, cô đơn và nổi loạn. "Lost generation" này, giống như "lost generation" của Nhật, có lẽ nên hiểu là "thế hệ bị tha hóa" chứ không phải "thế hệ bị đánh mất".

Có hay không một "lost generation" ở Việt Nam ? Mình cho là có. Đó là thế hệ đang trưởng thành trong chính giai đoạn hiện nay. Mặt trái của sự phát triển của kinh tế, sự suy đồi của đạo đức xã hội, sự vô trách nhiệm của báo chí ...đang góp phần tạo nên 1 "lost generation" chính hiệu Việt Nam.

Vấn đề là không biết dùng 1 từ tiếng Việt nào để dịch cho đúng "lost generation made in Vietnam". "Thế hệ bị đánh mất" thì không phải, "thế hệ bị tha hóa" cũng chưa hẳn đúng. Suy cho cùng những "lost generation" của Nhật Bản, Trung Quốc, họ sống thực dụng và nổi loạn cũng chỉ vì họ muốn chứng tỏ mình, họ vẫy vùng giữa dòng chảy khắc nghiệt của sự thay đổi cũng chỉ cố tìm cách để thiên hạ nhận ra họ giữa một rừng những cái tôi đang chực nhạt nhòa, đang chực hòa vào nhau. Bọn trẻ Việt Nam thì khác, chúng chẳng nổi loạn, chúng chỉ biết khóc lóc khi không thể chen chân vào đám đống để ngắm cho được thần tượng và rồi tranh nhau để được hôn vào ghế anh ta. Chúng không cần cái tôi và sẳn sàng vứt bỏ nó. Một thế hệ yếu đuối và xin lỗi nếu phải dùng thêm từ bệnh hoạn.

Kết entry này, xin dẫn lời của ông Lý Quang Diệu: "Khi trưởng thành, tất cả đều biết cách tự điều chỉnh bản thân. Cứ để họ nghĩ theo cách của họ". Ngẫm lại những "lost generation" của Nhật Bản, Trung Quốc thì quả có thế thật. Nhưng "lost generation" của Việt Nam, mình thật sự không tin lắm. Vì đơn giản, họ có nghĩ gì đâu ?

0 comments:

Post a Comment