Công nghiệp gia công phần mềm Việt Nam – thách thức và cơ hội trong thời kỳ khủng hoảng
From Neitcouq's blog |
( Thân tặng cho các cựu xếp của tớ ở mọi cấp bậc)
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới
Cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ Mỹ cuối năm 2008 đã lan rộng khắp toàn cầu và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Khởi đầu bằng cuộc khủng hoảng tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng, đến nay phạm vi của nó đã mở rộng trên hầu như tất các lĩnh vực kinh tế trọng yếu Các chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế thế giới năm 2009 vẫn sẽ tiếp tục ảm đạm.
Khác với năm 1997, khi mà nhiều quốc gia lao đao với cơn khủng hoảng tiền tệ thì Việt Nam hầu như vẫn nằm ngoài tâm bão, nền kinh tế VN hiện nay đã có 1 độ mở nhất định, chính vì thế mức độ ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng lần này rõ rệt và nặng nề hơn trước rất nhiều. Rõ ràng nhất có thể thấy sự khốn đốn của các công ty trong lĩnh vực hoạt động xuất nhập khẩu, các công ty gia công phần mềm...đặc điểm của những công ty này là có thị trường tiêu thụ hoặc khách hàng nằm ở nước ngoài.
Những tác động đến ngành công nghiệp gia công phần mềm ở Việt Nam
Hiện nay, hầu hết các công ty gia công phần mềm ở Việt Nam đều gặp khó khăn. Những thị trường gia công chính như Mỹ, Nhật Bản, Bắc Mỹ và Châu Âu lại chính là những nơi đang bị hoành hành bởi cơn bão khủng hoảng. Trong cơn khó khăn tài chính, không ít những dự án mới chưa được triển khai đã bị khách hàng hoãn vô thời hạn.Thậm chí với những đề án đang triển khai, vì thiếu hụt tài chính nên khách hàng cũng đề nghị tạm ngưng. May mắn hơn thì khách hàng vẫn đồng ý tiếp tục thực hiện phần còn lại nhưng với điều kiện phải giám chi phí gia công. Một vài trường hợp tệ hại hơn, mặc dù đề án đã được hoàn thành nhưng khách hàng không còn khả năng giải ngân.
Không có đề án gia công, trong khi hàng ngày các công ty vẫn phải ôm gánh nặng tài chính khi phải trả lương cho nhân viên, các khoản chi phí sản xuất, bảo hiểm, chi phí quản lý... Khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
Cuối năm 2008, một vài doanh nghiệp với qui mô nhỏ vì không chống đỡ nỗi gánh nặng tài chính đã lát đát sa thải nhân viên. Một số công ty lớn, tiềm lực tài chính mạnh hơn nhưng cũng chỉ có thể chịu đựng thêm một vài tháng nữa trước khi bắt buộc phải sa thải nhân viên để giảm bớt số nhân lực dự thừa nhằm tiết kiệm chi phí. Chưa thấy có một kết quả thông kê chi tiết, nhưng hầu như tất cả các công ty gia công phần mềm ở Việt Nam trong năm vừa qua đều bị thua lỗ. Nhiều công ty đã tiến hành sa thải nhân viên từ cuối năm 2008 cho đến đầu năm 2009.
Hiện nay, có khá nhiều kỹ sư tin học không thể tìm ra việc làm, đây chẳng phải là một nghịch lý, nhưng rõ ràng là khoảng mười năm về trước, chẳng ai có thể tưởng tượng được, một ngành được xem là “chiến lược mũi nhọn”, có nhiệm vụ “đi tắt đón đầu trong công nghệ” có ngày lại phải chịu thảm cảnh như vậy. Trong thời điểm này, ưu tiên hàng đầu của một kỹ sư tin học là giữ được việc làm ổn định trước cơn lũ sa thải nhân viên. Những sinh viên sắp ra trường mang theo cả nỗi lo tìm việc trong thời buổi ngành học của mình đang “xuống giá”, cho dù đã sẳn sàng chấp nhận một mức lương khởi điểm trung bình bằng với mức lương khởi điểm đã áp dụng cách đây 3,4 năm nhưng vẫn không chắc gì có thể tìm được việc làm.
Tuy nhiên, khó khăn chỉ là tạm thời, thách thức bao giờ cũng đi liền với cơ hội. Vậy đâu là cơ hội cho các công ty phần mềm Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới ?
Cơ hội cho các công ty gia công phần mềm Việt Nam
Trước hết, phải bình tĩnh mà nhận xét rằng, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, phản ứng đầu tiên của khách hàng là sẽ xem xét lại tất cả các hoạt động tài chính của họ. Họ bắt buộc phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm chi phí, trong đó có cả việc tạm ngưng triển khai các gói phần mềm nếu điều đó chưa thật sự cấp bách. Điều này vô hình trung đã gây ra sự khốn đốn cho các công ty gia công phần mềm Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc triển khai các ứng dụng phần mềm chỉ có thể tạm dừng trong 1 thời gian để dồn nguồn lực tài chính giải quyết các công việc quan trọng hơn chứ không thể cắt bỏ hoàn toàn. Sau 1 thời gian ổn định, thậm chí là chẳng cần phải chờ cho cơn khủng hoảng kinh tế đi qua, các công ty khách hàng sẽ nhanh chóng tái triển khai việc xây dựng các ứng dụng phần mềm nhằm phục vụ cho công việc của họ. Lần này, để tiết kiệm chi phí trong (hoặc sau) khủng hoảng, các công ty buộc phải nghĩ nhiều hơn tới giải pháp tăng cường outsource, offshore sang các nước thứ 3, nơi mà trước đây, mặc dù biết chắc có sự chênh lệch hấp dẫn về giá cả, họ vẫn chưa thể giao trọn gói sản phẩm hay giao nguyên cả qui trình sản xuất cho chúng ta phụ trách. Đây chính là cơ hội lớn cho các công ty phần mềm Việt Nam.
Tuy nhiên, muốn nắm bắt những cơ hội này, các doanh nghiệp trước tiên phải nhận ra được điểm yếu của mình, cả về khách quan lẫn chủ quan. Khắc phục những hạn chế để nâng cao tính cạnh tranh là nhiệm vụ chiến lược mà các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần phải làm trong giai đoạn hiện nay.
Những hạn chế của ngành công nghiệp gia công phần mềm Việt Nam
Câu hỏi đặt ra là, tại sao với 1 lợi thế về giá nhân công rẻ, các doanh nghiệp gia công phần phần mềm Việt Nam vẫn không có được 1 ưu thế cạnh tranh vượt trội so với các nước khác, để đến nỗi, công nghiệp gia công phần mềm ở Việt Nam, mặc dù có tuổi đời hơn 10 năm, vẫn chỉ lẹt đẹt ở “cảnh giới” gia công thô, vẫn chỉ giới hạn ở mức độ triển khai (implement, coding), kiểm thử (testing) mà chưa tiến tới những qui trình đòi hỏi hàm lượng tri thức cao hơn như phân tích, thiết kế (analyse, design)? hay vẫn chỉ đủ sức tham gia vào từng phần nhỏ (module, package) mà hiếm khi nắm trọn gói trong trường hợp đó là 1 đề án lớn ?
Trên thực tế, ngoài ưu thế nhân công giá rẻ, nhìn chung ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam chưa tạo cho mình 1 ưu thế cạnh tranh nào vượt trội khác. Họa hoằng lắm cũng chỉ có 1 số công ty cũng cố tạo cho mình 1 ít bản sắc riêng, nhưng ở mức độ ảnh hướng đến cả 1 nền công nghiệp gia công phần mềm thì chưa có.
Chúng ta có những khó khăn khách quan như sự cách trở về mặt địa lý, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán sản xuất, phương pháp quản lý …dẫn đến những hạn chế khi muốn tiếp cận và hiểu rõ các qui trình xử lý nghiệp vụ trong ứng dụng phần mềm. Nếu vài năm trở về trước, những khó khăn này là một vấn đề lớn thì hiện tại, điều đó không thực sự quá quan trọng. Chỉ mất vài giờ bay từ Tokyo đến TP. Hồ Chí Minh, mỗi công ty phần mềm đều có bộ phận dịch thuật tương đối am hiểu về lĩnh vực IT, trong thời đại này, những khác biệt về văn hóa, tập quán sản xuất, quản lý cũng dễ dàng được san lấp bằng 1 vài buổi seminar ngắn gọn…
Năng lực cạnh tranh kém của các công ty gia công phần mềm Việt Nam chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan. May thay, vì là những nguyên nhân chủ quan nên một cách logic, hoàn toàn có thể khắc phục được. Có thể nêu ra đây 1 loạt những nguyên nhân chủ quan đó:
Trình độ kỹ sư non trẻ và hạn chế. Các công ty chủ yếu khai thác năng lực của kỹ sư mà ít quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao tay nghề. Ngay cả bản thân các kỹ sư cũng không chịu khó tự học hỏi.
Mức độ chuyên môn hóa chưa cao: đây là một thực tế. Trong thời đại này, chuyên môn hóa là 1 đòi hỏi thiết yếu để nâng cao hiệu suất sản xuất. Tuy nhiên, có thể nhận thấy mức độ chuyên môn hóa của kỹ sư IT Việt Nam chưa cao. Một mẫu CV điển hình của 1 kỹ sư IT cho thấy, trong 1 thời gian ngắn, anh tham gia vào rất nhiều đề án, vấn đề là những đề án này, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ Java đến C#, C++, từ PHP đến JSP, ASP, từ Oracle sql đến MySql, MS SQL với hàng loạt những công nghệ mới có cũ có: strut, hibernate, ajax, spring…Kỹ sư thiếu chuyên sâu nên hiệu suất công việc thấp. Điều này dẫn đến việc lên dự toán nhân lực để báo cho khách hàng 1 là chuyện, trên thực tế sử dụng lúc nào cũng nhiều hơn.
Ngay cả các doanh nghiệp cũng phát triển dàn trải mà không tập trung chuyên sâu ở bất kỳ mảng gia công nào. Không tạo được thế mạnh dẫn đến chất lượng sản phẩm kém chất lượng, hiệu quả cạnh tranh thấp.
Các qui trình sản xuất và kiểm thử phần mềm chưa thật sự chặc chẽ. Hầu hết các chứng nhận về CMMi, ISO đều chưa cân xứng với thực tế. Nhiều công ty chỉ chạy đua nhằm lấy được chứng chỉ mà quên mất việc áp dụng nó vào qui trình sản xuất mới thật sự quan trọng. Một số công ty lấy được CMMi cấp 3,4 nhưng trên thực tế, nếu audit chặc chẽ, thì chỉ mới đủ chuẩn cấp 1,2.
Bên cạnh đó, trình độ quản lý con người, quản lý nhân sự cũng chưa hiệu quả. Mức độ yếu kém thể hiện ở việc chưa tận dụng hết năng lực và điểm mạnh của từng người. Có 1 quan điểm hết sức lỗi thời khi người ta phân cấp theo chiều dọc các công việc trong một qui trình sản xuất phần mềm, và 1 kỹ sư muốn được coi là trưởng thành bắt buộc phải kinh qua hết tất cả các công việc từ test đến code, đến phân tích thiết kế…cao hơn nữa là làm quản lý.
Có 1 thực tế là, ngay cả ưu thế cạnh tranh về giá rẻ của Việt Nam cũng ngày càng mất đi do mức sống của người dân Việt Nam, đặt biệt là ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh vài năm nay tăng lên đáng kể. Theo 1 thống kê xã hội gần đây, mức sống của TP Hồ Chí Minh xấp xỉ mức sống của các thành phố triệu dân khác như Băng Cốc hay Thượng Hải. Mức sống tăng kéo theo lương tăng, ưu thế cạnh tranh độc tôn không còn nữa, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam thật sự không dễ dàng có thể tồn tại trong thời buổi này.
Những giải pháp nhằm nâng cao tính cạnh tranh:
Như đã phân tích, trong tương lai gần, để tiết giảm chi phí các công ty nước ngoài bắt buộc phải nghĩ đến giải pháp tăng cường oursource, tiến tới giao trọn gói từ phân tích thiết kế đến triển khai và kiểm thử phần mềm cho các nước thứ 3. Điều mà trước đây vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả sự hạn chế về năng lực của chúng ta, họ chưa thể nghĩ tới. Vấn đề của các công ty gia công phần mềm Việt Nam hiện nay là làm sao để tồn tại được qua cơn khủng hoảng và chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu khắc khe mà khách hàng đòi hỏi trước khi tin tưởng giao trọn gói cho các đối tác Việt Nam. Sau đây là những giải pháp đề nghị nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế:
Nhân cơ hội khủng hoảng, tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Các nhà quản lý nên xem đây là cơ hội để tiến hành chiến dịch thay máu nhân sự, đồng thời thu nhỏ qui mô nhằm giảm gánh nặng tài chính. Giống như trong một cơn bão lớn, vị thuyền trưởng sẽ phải cho hạ hết các cột buồm để con tàu thể dễ dàng vượt qua sóng dữ.
Thu nhỏ qui mô doanh nghiệp, chấp nhận phát triển chậm nhưng chắc. Lấy chất lượng làm ưu thế cạnh tranh. Sản phẩm gia công phải có chất lượng thật sự chứ không phải chỉ hô hào về chất lượng.
Xác định lĩnh vực chuyên sâu. Với những doanh nghiệp gia công phần mềm vừa và nhỏ, rất khó có thể phát triển dàn trải trên nhiều mảng. Doanh nghiệp phải xác định 1 hoặc 1 vài lĩnh vực mà mình có thể chuyên sâu để tạo ưu thế cạnh tranh. Chẳng hạn ưu tiên phát triển gia công các phần mềm thuộc lĩnh vực hệ thống nhúng (Embeded system), tự động hóa (Factory Automation), thương mại điện tử (E-commerce), công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)…
Tuyển dụng người giỏi. Đây là thời điểm tốt để dễ dàng tuyển dụng được người tài. Các doanh nghiệp phần mềm trước nay vẫn có thói quen tuyển người theo kiểu chữa cháy cho từng yêu cầu của đề án. Cần phải xóa bỏ tư duy này, phải có kế hoạnh tuyển dụng những người giỏi theo đúng chuyên môn hay lĩnh vực mà doanh nghiệp sẽ ưu tiên phát triển.
Tập trung đào tạo chuyên sâu để nâng cao tay nghề của kỹ sư ở từng mảng chiến lược của doanh nghiệp như đã nói ở trên…Đặc biệt tập trung ở những kỹ năng phân tích thiết kế. Nâng cao khả năng làm việc nhóm (team work) cũng như khả năng làm việc độc lập. Đào tạo đội ngũ quản lý đề án, không nhất thiết phải lấy nhân lực từ những lập trình viên giỏi. Một quản lý giỏi không hẳn là một lập trình viên giỏi và ngược lại.
Hoàn thiện và chuẩn hóa qui trình sản xuất phần mềm, lấy các chứng chỉ và chứng nhận về phần mềm như CMM, CMMi, ISO về quản lý chất lượng, về bảo mật…như một đảm bảo có tính quốc tế…
Xây dựng chiến lược Maketing, mở rộng mạng lưới khách hàng ở các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và các thị trường mới như Bắc Mỹ, châu Âu, và thậm chí cả thị trường châu Á trong đó có Việt Nam.
Phương châm cạnh tranh chỉ có thể là: lấy chất lượng làm yếu tố thu hút và giữ chân khách hàng, lấy giá cả làm yếu tố cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thay lời kết
Tóm lại, khủng hoảng kinh tế và những khó khăn hiện tại mà các doanh nghiệp phần mềm trong nước đang đối mặt không phải là điều quá bi đát. Khó khăn chỉ là tạm thời, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Nếu đủ tỉnh táo và bản lĩnh để vượt qua được giai đoạn khó khăn có tính bước ngoặc này, các doanh nghiệp gia công phần mềm trong nước sẽ vươn tới một tầm cao mới, sẽ có những thay đổi lớn về lượng và chất, đúng như tinh thần trong binh pháp Tôn Tử: “lùi một bước để tiến 3 bước”.
0 comments:
Post a Comment