Trong một cuộc hội thảo gần đây, bộ GDĐT đã đưa ra đề án xây dựng 5 trường đại học "đẳng cấp quốc tế", theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có trường lọt vào "top 400" trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới. Có thể xem đó là câu trả lời của bộ này sau một loạt những phàn nàn liên tục gần đây về thực trạng giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục Đại học. Thực trạng giáo dục Việt Nam, như một số nhận xét, đã đến hồi báo động với cách dùng từ đầy bi quan: khủng hoảng !
Với đề án này, bản thân tôi hy vọng nhiều hơn là tin tưởng. Vì như ai đó đã nói: chẳng thà hy vọng vào 1 điều gì đó thậm chí hão huyền còn hơn là chẳng có gì để hy vọng.
Cải cách giáo dục là 1 câu chuyện dài. Và cũ. Phương pháp, chiến lược, mục tiêu ... đã có các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục với đầy đủ học hàm học vị (bèo gì cũng cỡ tiến sĩ trở lên, nếu không vài năm nữa, chẳng ai cho làm quản lý) tính toán và lo toan. Chúng ta khó mà đóng góp, phản biện được gì (thậm chí nếu phản biện linh tinh và không đúng chổ, ở tù có ngày chứ chẳng chơi). Tôi chỉ kể ra đây vài chuyện nhỏ, cứ xem là bức xúc cá nhân cũng được, rỗi chuyện mua vui cũng được. Tuyệt không có ý định gì.
Chuyện thứ nhất:
Năm trước, tôi lên trường ĐHKT TP.HCM mua hồ sơ đăng ký dự thi vào hệ đại học văn bằng 2. Một chiếc phòng bì cộng với 3 tờ A4 được bán với giá 40.000 đồng. 4 chai Sài gòn đỏ thì chẳng bỏ bèn gì, với lại mình đang cần thì biết làm sao, có phải hàng chợ đâu mà trả treo. Sau này khi nhìn vào số báo danh mới biết có trên 10.000 thí sinh dự thi, làm một phép tính đơn giản cũng thấy người ta kiếm được trên 400 triệu đồng. Bài học đầu tiên ngay khi có ý định theo học ngành kinh tế: nếu biết cách, bạn hoàn toàn có thể làm giàu từ giấy lộn. Điều đó càng thôi thúc một kỹ sư tin học như tôi quyết tâm theo đuổi chuyên ngành này.
Chuyện thứ 2:
Hôm qua đọc báo tuổi trẻ, thấy vị hiệu trưởng của một trường đại học thật tài năng, ngoài công tác quản lý dường như không tốn quá nhiều thời gian vàng ngọc, ông ấy còn lấn sân sang lĩnh vực thời trang, thiết kế vài thứ linh tinh như quần áo, cặp sách...bán cho sinh viên. Đừng tưởng đó chỉ là thú vui tao nhã vô thưởng vô phạt, nó góp phần không nhỏ trong việc đưa trường đại học của ông trở thành một biểu tượng tốt đẹp trong giới đại học quốc tế !
Chuyện thứ 3:
Hôm nay chạy lên ĐH Kỹ Thuật Công Nghệ TP.HCM nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 cho đứa em. Quê nó ở tận miền Trung, sợ gởi bưu điện vào không kịp nên nhờ tôi lên thẳng trường nộp cho chắc ăn. Hồ sơ gồm 1 giấy chứng nhận xét tuyển nguyện vọng 3 có ghi số điểm đạt được trong kỳ thi đại học trước đó cộng với 1 bì thư đã dán sẳn tem ghi và địa chỉ người nhận để sau này trường gởi giấy báo về. Tôi được chỉ tới bàn thu nhận hồ sơ ngay trước cửa phòng đào tạo, nơi có 2 cô gái đang ngồi. Tưởng chỉ cần nộp hồ sơ, đóng thêm lệ phí xét tuyển, nhận biên lai xác nhận đã nộp đầy đủ giấy tờ và lệ phí rồi về, ai ngờ tôi được đưa một lúc mấy tờ giấy để điền thêm thông tin nữa. Xem kỹ mới biết, đó là biên lai chuyển phát nhanh, địa chỉ người nhận đã ghi sẵn là trường ĐH.KTCN, tôi phải điền thông tin của mình vào phần người gởi. Lúi húi ghi mà chả biết để làm gì. Ghi xong đem nộp và được trả lại cái hóa đơn liên 2 giao cho khách hàng, giờ mới vỡ lẽ, thì ra tôi không được nộp đơn trực tiếp lên phòng đào tạo. Tôi đang làm việc với nhân viên của dịch vụ chuyển phát nhanh EMS. Cô ấy nhận hồ sơ của tôi, thu tiền, giữ lại hóa đơn EMS, còn hồ sơ thì "chuyển phát nhanh" cho người ngồi bên cạnh, chắc là nhân viên thu nhận hồ sơ của phòng đạo tạo. Tôi đã tốn 20.000 để thuê dịch vụ EMS chuyển hồ sơ đến người nhận đang ngồi gần như đối diện với tôi như thế đó. Hoan hô EMS, họ đã thực hiện yêu cầu của tôi trong chưa đầy 1 giây đồng hồ, dịch vụ này quả thật chỉ ở VN mới có !
Tôi rời khỏi trường mà thấy lòng buồn ghê gớm. Cải cách giáo dục đại học ư ? Top 400 ư ? Khi nào thứ tâm lý con buôn vặt vãnh vẫn còn tồn tại ở những nơi đáng lẽ chỉ dành cho niềm đam mê và tinh thần nhiệt huyết, đáng lẽ chỉ dành cho tình yêu thương và sự tôn trọng, chỉ dành cho sự lương thiện và tính chân thật, khi nào người ta còn bất chấp những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất chỉ để tranh thủ làm "kinh tế cá thể" ngay cả ở những nơi thiêng liêng thế này, thì cải cách giáo dục, theo tôi, cũng chẳng để làm gì...
Sáng, bật máy tính lên, cả tuần rồi không thấy tin nhắn reply. Ghét !
Sáng, bước ra đường, gặp một chiếc Eliz chạy ngang. Nhớ !
Trưa, nhắn tin qua di động, không thấy trả lời. Ghét !
Trưa, đi ăn cơm, cô gái ngồi bàn bên cười tươi như hoa nở. Nhớ !
Chiều, thấy online đó, vậy mà chẳng nói gì. Ghét !
Chiều, vô tình nghe tiếng "Merci !". Nhớ !
Tối, bấm máy. Điện thoại không liên lạc được. Ghét !
Tối, đi nhậu. Thấy lon ken ... bầu bĩnh dễ thương. Nhớ !
Nhớ, ghét, ghé, nhớ...Chỉ tại mình nhạy cảm quá đấy thôi. Đã có gì đâu ! Chỉ tại mình nhạy cảm quá đấy thôi...
Vừa rồi đọc bài phỏng vấn ông phó chủ tịch NIIT toàn cầu trên www.pcword.com.vn, bài báo có cái title rất kêu: “NIIT muốn góp phần đào tạo 1 triệu nhân sự CNTT”
1 triệu nhân sự CNTT trong 10 năm tới, con số thật đẹp! Cứ làm 1 phép tính đơn giản, không tính số người ở nước ngoài đổ về, trung bình mỗi năm các cơ sở đào tạo CNTT nước nhà (bao gồm các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp, các trung tâm đào tạo CNTT trong nước và liên kết nước ngoài…) phải đào tạo khoản 100.000 nhân lực CNTT. Con số đó quả thật ấn tượng nếu biết rằng mỗi năm khoa CNTT của ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM chỉ có thể xuất xưởng chưa tới 300 cử nhân tin học.
Nhưng đó là tính toán của các nhà quản lý vĩ mô. Logic mà nói, hàng năm chúng ta vẫn có thể xuất xưởng đều đặng 100.000 nhân lực CNTT nếu không cần quan tâm gì đến chất lượng vào ra và bất chấp một thực trạng rằng, trình độ kỹ sư CNTT Việt Nam hiện nay là rất yếu kém.
Hơn 10 năm nay, nhà nước đã giành rất nhiều quan tâm vào CNTT, xem đó là ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, ưu tiên phát triển với phương châm đi tắt đón đầu, theo hướng “mềm hóa” và có sự tích tụ cao về mặt kỹ thuật. Qui trình đào tạo của chúng ta cũng đi theo định hướng đó, nhưng có lẽ vẫn chưa đáp ứng được những gì chúng ta mong muốn.
Rất tiếc là tôi không tìm được 1 biểu đồ ở đây, nhưng có thể nói tốc độ tăng trưởng CNTT hàng năm của Việt Nam là khá đều đặn và khả quan. Tuy vậy nếu chú ý, sẽ thấy sự tăng trưởng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực phần cứng, đặt biệt là thị trường mua bán các thiết bị CNTT. Đây là 1 thị trường đặt thù, nó không đòi hỏi quá nhiều nhân lực CNTT. Về bản chất nó là 1 thị trường kinh doanh. Trong khi, tính cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ phần mềm của chúng ta không cao, 10 năm rồi vẫn chỉ là gia công thô cho nước ngoài.
Chúng ta sẽ làm gì với 1 triệu con người mà có thể đoán trước được, hầu hết đều yếu kém về ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức tổng hợp và trình độ quản lý ? Họ sẽ làm gì trong 1 nền Công nghệ phần mềm gia công thiếu hẳn tính cạnh tranh ? trong 1 chính phủ vừa thất bại ở kế hoạch triển khai tin học hóa quản lý nhà nước?
Có lẽ chúng ta cần một con số nhỏ hơn, nhỏ hơn rất nhiều so với con số 1 triệu, nhưng nó sẽ là con số phản ánh đúng năng lực tế và tầm nhìn của chúng ta. Một con số, tôi mong, có thể nhỏ về mặt số học thuần túy nhưng có sức nặng thật sự trên từng đơn vị tính.
Năm 1995, khi tổng bí thư Đảng Cộng Sản, ông Đỗ Mười tới Úc, nội bộ Canberra vẫn chưa thống nhất quan điểm. Thủ lĩnh phe đối lập thậm chí còn tẩy chay tiệc mừng để tỏ thái độ phản đối.
Năm nay đương kim thủ tướng Úc, Mr Kevin Rudd ra tận thang máy bay đón cụ Mạnh. Canberra chào ông bằng 19 phát đại bác, bất chấp vài trăm người (Việt kiều Úc?) biểu tình phản đối trước tòa nhà quốc hội.
Rõ ràng, vị thế của Việt Nam trong khoản thời gian giữa 2 chuyến đi đã có những thay đổi đáng kể.
Chuyến đi lần này của cụ Nông Đức Mạnh được dư luận quan tâm đặt biệt. Mặc dù còn nhiều điểm chưa gặp gỡ trong vấn đề dân chủ nhân quyền, vấn đề tự do tôn giáo...nhưng đó không phải là chủ đề chính cho cuộc gặp song phương lần này. Có lẽ cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo cao cấp sẽ tập trung ở 3 vấn đề chính: kinh tế, giáo dục, và quốc phòng. Trong đó không loại trừ vấn đề đang rất nhạy cảm là tranh chấp biển Đông. Khác với Mỹ muốn gây tầm ảnh hưởng, Úc, với vị thế địa chính trị của mình, có liên hệ trực tiếp về mặt lợi ích ngay tại biển Đông.
Các nhà phân tích cho rằng, trong chiến lược ngoại giao hiện tại của Úc, Trung Quốc vẫn "quan trọng hơn" so với Việt Nam. Điều đó là hẳn nhiên, vì trong bất kỳ phương diện nào, Trung Quốc vẫn là đối tác lớn, lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Tuy vậy, nói Trung Quốc "quan trọng hơn" có nghĩa là Việt Nam cũng quan trọng, nếu không muốn nói là "rất quan trọng". Bắc Kinh từng tỏ thái độ lo ngại về quan điểm "quá khích" của Canberra trong đợt sách trắng tháng 5 vừa rồi, khi Úc cho rằng Trung Quốc đang là 1 mối đe dọa trong vùng châu Á Thái Bình Dương. Đó là điều có thực, tăng cường mối quan hệ hợp tác với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là cách mà Úc đang và sẽ làm để hạn chế "mối đe dọa" Trung Quốc.
Không có tình bạn vĩnh cửu, cũng không có kẻ thù vĩnh cửu, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu. Tuy vậy, có vẻ như trong thâm tâm, Canberra và Bắc Kinh cũng không ưa gì nhau, điều đó thể hiện qua vụ lục đục gián điệp thương mại vừa qua và việc Úc, bất chấp sự phản đối liên tục và gay gắt của Trung Quốc, đã để cho bà Kadeer nhập cảnh vào nước này dự liên hoan phim, trong đó có 1 bộ phim nói về cuộc đời hoạt động của bà, ‘The 10 Conditions of Love’.
Tôi tự hỏi, một mai Hồ Cẩm Đào từ Bắc Kinh bay qua Canberra, ông Kevin Rudd sẽ bước tới bậc thứ mấy của cầu thang máy bay để nghênh đón ? Sẽ có bao nhiêu phát đại bác được bắn lên bầu trời thủ đô nước Úc, 18, 19, hay 20 ?
Ngày xưa, (thực ra cũng chưa xưa lắm), khi trả lời câu hỏi của L.Anh: "T nghĩ thế nào về tình yêu ?", hắn, vốn dĩ rất kiêu ngạo và thích khoe khoang, phang luôn một định nghĩa rất ư hoa mỹ:
"Tình yêu là một thứ tôn giáo mà ở đó mỗi người vừa là tín đồ, vừa là đấng cứu thế của nhau".
Nói xong hắn tự cảm thấy hài lòng lắm, lại ngồi ngẫm nghĩ: giá mình là một người nổi tiếng thì định nghĩa về tình yêu này nhất định sẽ trở thành một câu danh ngôn bất hủ.
Đó là lúc hắn chưa sợ trời sợ đất, chưa đi kiếm tiền và hay đọc tiểu thuyết...
Ngày nay, hắn lại huyênh hoang với B.Chi:
...
*Tình yêu, đơn thuần nó là 1 thứ cảm xúc. Cho dù có khó lý giải hơn những thứ khác, thì nó vẫn cứ là 1 thứ cảm xúc. Và tất cả mọi ý niệm khác đều là phái sinh của tình yêu. Nó là hệ quả, chứ không phải mục đích. Dĩ nhiên, có những thứ chấp nhận được, có những thứ không chấp nhận được.
* Nhưng nếu vậy, hôn nhân cũng chỉ là 1 hệ quả của ty?
* Chắc rồi.
*Còn hệ quả nào chấp nhận đc, hệ quả nào hok chấp nhận đc?
*Thiếu gì, đó là tất cả những vấn đề phát sinh khi yêu. Cái chấp nhận được thì góp phần duy trì cảm xúc tình yêu. Cái không chấp nhận được thì nhanh chóng góp phần bóp chết cảm xúc tình yêu. Vì tình yêu chỉ là 1 thứ cảm xúc, mặc dù nó là 1 thứ cảm xúc "hàn lâm". Nên suy cho cùng, nó có giai đoạn, chu kỳ phát triển. Nói chung là có "đời sống"
...
(Cảm ơn B.Chi đã lưu lại đoạn chat này)
Ngày mai, nếu có ai lại hỏi hắn về tình yêu, chắc chắn hắn sẽ im lặng ngồi cười, và rồi lẩm bẩm, 1 mình thôi, vừa đủ hắn nghe:
Tình yêu ? làm gì có cái thứ quái ấy trên đời !