Sep 25, 2009

Tâm lý con buôn

From Neitcouq's blog
Trong một cuộc hội thảo gần đây, bộ GDĐT đã đưa ra đề án xây dựng 5 trường đại học "đẳng cấp quốc tế", theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có trường lọt vào "top 400" trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới. Có thể xem đó là câu trả lời của bộ này sau một loạt những phàn nàn liên tục gần đây về thực trạng giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục Đại học. Thực trạng giáo dục Việt Nam, như một số nhận xét, đã đến hồi báo động với cách dùng từ đầy bi quan: khủng hoảng !

Với đề án này, bản thân tôi hy vọng nhiều hơn là tin tưởng. Vì như ai đó đã nói: chẳng thà hy vọng vào 1 điều gì đó thậm chí hão huyền còn hơn là chẳng có gì để hy vọng.

Cải cách giáo dục là 1 câu chuyện dài. Và cũ. Phương pháp, chiến lược, mục tiêu ... đã có các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục với đầy đủ học hàm học vị (bèo gì cũng cỡ tiến sĩ trở lên, nếu không vài năm nữa, chẳng ai cho làm quản lý) tính toán và lo toan. Chúng ta khó mà đóng góp, phản biện được gì (thậm chí nếu phản biện linh tinh và không đúng chổ, ở tù có ngày chứ chẳng chơi). Tôi chỉ kể ra đây vài chuyện nhỏ, cứ xem là bức xúc cá nhân cũng được, rỗi chuyện mua vui cũng được. Tuyệt không có ý định gì.

Chuyện thứ nhất:
Năm trước, tôi lên trường ĐHKT TP.HCM mua hồ sơ đăng ký dự thi vào hệ đại học văn bằng 2. Một chiếc phòng bì cộng với 3 tờ A4 được bán với giá 40.000 đồng. 4 chai Sài gòn đỏ thì chẳng bỏ bèn gì, với lại mình đang cần thì biết làm sao, có phải hàng chợ đâu mà trả treo. Sau này khi nhìn vào số báo danh mới biết có trên 10.000 thí sinh dự thi, làm một phép tính đơn giản cũng thấy người ta kiếm được trên 400 triệu đồng. Bài học đầu tiên ngay khi có ý định theo học ngành kinh tế: nếu biết cách, bạn hoàn toàn có thể làm giàu từ giấy lộn. Điều đó càng thôi thúc một kỹ sư tin học như tôi quyết tâm theo đuổi chuyên ngành này.

Chuyện thứ 2:

Hôm qua đọc báo tuổi trẻ, thấy vị hiệu trưởng của một trường đại học thật tài năng, ngoài công tác quản lý dường như không tốn quá nhiều thời gian vàng ngọc, ông ấy còn lấn sân sang lĩnh vực thời trang, thiết kế vài thứ linh tinh như quần áo, cặp sách...bán cho sinh viên. Đừng tưởng đó chỉ là thú vui tao nhã vô thưởng vô phạt, nó góp phần không nhỏ trong việc đưa trường đại học của ông trở thành một biểu tượng tốt đẹp trong giới đại học quốc tế !

Chuyện thứ 3:

Hôm nay chạy lên ĐH Kỹ Thuật Công Nghệ TP.HCM nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 cho đứa em. Quê nó ở tận miền Trung, sợ gởi bưu điện vào không kịp nên nhờ tôi lên thẳng trường nộp cho chắc ăn. Hồ sơ gồm 1 giấy chứng nhận xét tuyển nguyện vọng 3 có ghi số điểm đạt được trong kỳ thi đại học trước đó cộng với 1 bì thư đã dán sẳn tem ghi và địa chỉ người nhận để sau này trường gởi giấy báo về. Tôi được chỉ tới bàn thu nhận hồ sơ ngay trước cửa phòng đào tạo, nơi có 2 cô gái đang ngồi. Tưởng chỉ cần nộp hồ sơ, đóng thêm lệ phí xét tuyển, nhận biên lai xác nhận đã nộp đầy đủ giấy tờ và lệ phí rồi về, ai ngờ tôi được đưa một lúc mấy tờ giấy để điền thêm thông tin nữa. Xem kỹ mới biết, đó là biên lai chuyển phát nhanh, địa chỉ người nhận đã ghi sẵn là trường ĐH.KTCN, tôi phải điền thông tin của mình vào phần người gởi. Lúi húi ghi mà chả biết để làm gì. Ghi xong đem nộp và được trả lại cái hóa đơn liên 2 giao cho khách hàng, giờ mới vỡ lẽ, thì ra tôi không được nộp đơn trực tiếp lên phòng đào tạo. Tôi đang làm việc với nhân viên của dịch vụ chuyển phát nhanh EMS. Cô ấy nhận hồ sơ của tôi, thu tiền, giữ lại hóa đơn EMS, còn hồ sơ thì "chuyển phát nhanh" cho người ngồi bên cạnh, chắc là nhân viên thu nhận hồ sơ của phòng đạo tạo. Tôi đã tốn 20.000 để thuê dịch vụ EMS chuyển hồ sơ đến người nhận đang ngồi gần như đối diện với tôi như thế đó. Hoan hô EMS, họ đã thực hiện yêu cầu của tôi trong chưa đầy 1 giây đồng hồ, dịch vụ này quả thật chỉ ở VN mới có !

Tôi rời khỏi trường mà thấy lòng buồn ghê gớm. Cải cách giáo dục đại học ư ? Top 400 ư ? Khi nào thứ tâm lý con buôn vặt vãnh vẫn còn tồn tại ở những nơi đáng lẽ chỉ dành cho niềm đam mê và tinh thần nhiệt huyết, đáng lẽ chỉ dành cho tình yêu thương và sự tôn trọng, chỉ dành cho sự lương thiện và tính chân thật, khi nào người ta còn bất chấp những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất chỉ để tranh thủ làm "kinh tế cá thể" ngay cả ở những nơi thiêng liêng thế này, thì cải cách giáo dục, theo tôi, cũng chẳng để làm gì...

0 comments:

Post a Comment