11:25 PM -
Suy ngẫm
No comments
Sợi xích màu gì ?
From Neitcouq's blog |
Tôi không biết sợi xích của Lê Kiều Như màu gì, nhưng tôi biết không ít những trường hợp, chúng ta đang bị một sợi xích trói buộc và chi phối. Một sợi xích màu xanh.
Thế giới không thiếu những kẻ vĩ cuồng, tự cho mình tài giỏi, thế giới cũng không thiếu những kẻ hiếu danh. Người ta hiếu danh vì nhiều nguyên nhân, bị thôi thúc bởi chứng ảo tưởng về bản thân, bị hấp dẫn bởi những lợi danh đi kèm sự nổi tiếng hay thậm chí là bị ám ảnh bởi cái tôi bé nhỏ bất tài....
Nhưng đó là cuộc sống, cho dù đó là một thứ bệnh lý rất phổ biến thì trong xã hội dân chủ này, chúng ta cũng không nên can thiệp và thực chất cũng không có quyền can thiệp. Nói theo kiểu tiếng Anh: It is not our bussiness !
Nhưng chúng ta cũng không nên khuyến khích, nhất là những người mà sự khuyến khích của họ có sức ảnh hưởng làm cho chứng vĩ cuồng kia ngày một nặng thêm, mang lại những hiệu ứng không tốt cho xã hội vốn đã tồn tại quá nhiều cái không tốt. Nếu biết mà vẫn cứ làm, vẫn cố quàng lên người sợi xích màu xanh để bất chấp những nguyên tắc đạo đức, đó là cả một tội ác.
Không ai có thể khen được Sợi xích một lời nếu họ thực sự muốn tìm kiếm một chút giá trị văn học nào, hoặc một bài học nhân sinh nào đó trong "tác phẩm".
Mập mờ giữa truyện vừa và tiểu thuyết. Nhân vật nhợt nhạt không có tính cách. Sợi xích không có gút mở, không có cao trào và giải quyết cao trào. Văn phong cực kỳ nghèo nàn. Những đoạn đối thoại giữa các nhân vật chẳng khác gì lời thoại trong một quyển Manga dành cho lứa tuổi thiếu niên. Đề cập đến sex, tôi cho rằng Sợi xích thừa sex mà lại thiếu sex. Toàn bộ tình tiết của câu chuyện, cố gắng lắm cũng chỉ có thể rút gọn lại thành một truyện ngắn với điều kiện người viết phải có nội lực và khả năng xử lý tốt ngôn từ. Tôi không biết gọi Sợi xích là gì, nó không phải là tiểu thuyết, càng không phải là một tác phẩm văn học.
Nhưng nếu Sợi xích được xuất bản và đến tay người đọc thì đó chưa hẳn là lỗi của Lê Kiều Như, nếu như cô nàng muốn trở thành một Y Ban, một Đỗ Hoàng Diệu thì quả là một ảo tưởng liều lĩnh. Hoặc nếu đó là một động thái của cô ca sĩ tầm tầm trong một kế hoạch dài hơi nhằm tìm kiếm sự nổi tiếng, thì đó cũng chưa hẳn là lỗi của một mình cô.
Tôi không hiểu NXB Hội nhà văn đã làm quái gì để một cuốn sách như thế chút xíu nữa là lọt ra thị trường và đến tay người đọc. Nếu Lê Kiều Như và Youbooks không "vội vã" tổ chức họp báo trước thời hạn nộp lưu chiểu, cứ để Sợi xích tràn ngập các nhà sách rồi mới PR đình đám, đánh động dư luận, như thế NXB Hội nhà văn lấy cớ gì để thu hồi nếu không muốn tự vung tay tát vào mặt mình ? Không lẽ vì sách liên kết xuất bản mà các bác không đọc đến một dòng trong cuốn sách ấy để biết được nó tồi thế nào ? Cán bộ làm công tác biên tập đâu hết rồi ? hay các bác chỉ bán giấy phép liên kết xuất bản mà không có đội ngũ biên tập ? Nói dại, nếu một công ty phát hành sách nào đó đổi tiêu đề của Cô giáo Thảo thành Nàng Cỏ rồi đem liên kết với NXB hội nhà văn, chắc các bác cũng không có thời gian để biết bên trong cuốn sách viết những gì, các bác duyệt sách và đếm tiền ở quán nhậu thì phải.
NXB Hội nhà văn từng là nơi bảo chứng cho những tác phẩm có sức nặng, cho nhiều cây bút chưa thực sự có tên tuổi nhưng có đầy đủ nội lực và tài năng, giờ thì nó có nguy cơ trở thành một đống bùi nhùi hỗn tạp bị quấn quanh bởi những mắt xích màu xanh. Vất vả lắm mới có thể xây dựng nên một tên tuổi, một thương hiệu, đừng vì chạy theo đồng $ mà làm loãng đi giá trị của thương hiệu đó. "Sự cố Sợi xích" không chỉ là vấn đề về đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, mà còn là bài học Marketing căn bản nhất mà người làm kinh doanh cần phải biết trong thời buổi kinh tế thị trường đầy cạnh tranh này.
0 comments:
Post a Comment