Jul 15, 2009

Câu chuyện về những tên trộm và hệ thống cân bằng động

From Neitcouq's blog

Chuyện kể rằng, tại một đất nước nọ, mọi công dân đều là những tên trộm. Ban ngày họ ngủ, ban đêm, họ rời khỏi nhà mình để đến nhà hàng xóm và trộm lấy một vài thứ. Và vì ai cũng là kẻ trộm nên bất kỳ lúc nào đem chiến lợi phẩm về nhà, họ cũng nhận thấy nhà của họ vừa bị mất đi một thứ gì đó. Họ cho đó là điều hiển nhiên, vì thế hàng đêm, họ vẫn cứ ra khỏi nhà, cố cạy cửa một nhà khác và khuân về một thứ gì đó. Tất cả họ đều nghĩ đến chuyện ăn trộm nhưng không ai nghĩ đến chuyện bắt trộm. Và vì giá trị của những tài sản bị đánh cắp được xem là tương đương nhau nên cuối cùng cũng chẳng ai mất gì cả. Dĩ nhiên, cũng chẳng ai được gì cả.

Nhưng rồi một buổi tối đầy trăng, có một anh chàng chợt nhận thấy, thật nhàm chán khi là một tên trộm. Anh ta thấy rằng, so với việc cạy cửa nhà người khác thì ngắm trăng có lẽ là việc làm thú vị hơn. Cũng có thể anh ta bị thôi thúc bởi các nguyên tắc đạo đức mà anh ta đọc được trong một cuốn sách nào đó, rằng thật tội lỗi khi làm một tên trộm, rằng Chúa sẽ trừng phạt những kẻ chỉ biết nhòm ngó tài sản của người khác. Rằng làm một tên trộm thì không bao giờ có thể lên được Thiên Đàng. Cũng có thể anh ta bổng nhiên thông minh hơn những người còn lại để nhận thấy việc mình đang làm thật sự vô ích.

Tóm lại là hôm đó anh ta ở nhà. Và theo nguyên lý Dirichle thì ít nhất có một tên trộm đêm hôm đó không thu hoạch được gì. Hắn đứng chờ trước cổng, mong anh chàng cá biệt của chúng ta bước ra để hắn có thể cạy cửa vào nhà, kiếm một món đồ nào đó. Nhưng hắn đã chờ đợi vô ích. Cho tới sáng, khi hắn về nhà với hai bàn tay không thì cũng là lúc hắn nhận thấy nhà hắn bị mất đồ, bởi 1 tên trộm khác may mắn hơn.

Và từ đó, qui luật cân bằng đã bị phá vỡ. Có ít nhât 1 tên trộm giàu hơn những tên trộm còn lại. Có ít nhất 1 tên trộm nghèo hơn những tên trộm còn lại. Cứ thế, sự phân hóa ngày càng lớn. Tên trộm giàu nhất đến 1 lúc nào đó không cần phải đi ăn trộm nữa. Hắn là tên trộm thứ 2 giải nghệ. Một vài tên trộm cũng quyết định giải nghệ vì chúng liên tiếp xui xẻo vào phải nhà của những kẻ chẳng còn gì để trộm. Đất nước của những tên trộm bị diệt vong từ đó. Câu chuyện cũng kết thúc ở đây.

Một cách vật lý mà nói, mọi hệ thống cân bằng đều động. Với người quan sát bên ngoài, hệ thống trông có vẻ tĩnh, nhưng kỳ thực bên trong, các phần tử luôn luôn vận động, hoán đổi cho nhau để đảm bảo hệ thống không bao giờ sụp đổ. Với hệ thống có độ nhạy cảm cao, sự thay đổi quĩ đạo của 1 thành tố cũng có thể tạo ra mức ảnh hưởng khó lường. Với 1 hệ thống vừa phức tạp, vừa nhạy cảm (ví như 1 thể chế nhà nước ?), sự thay đổi của một hay một vài thành tố là điều khó tránh khỏi và không thể kiểm soát. Sự thay đổi này đôi khi dẫn đến sự biến đổi đổi của toàn bộ hệ thống - cái mà chúng ta biết đến với tên gọi hiệu ứng domino. Bản thân sự thay đổi không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực, vì nó có xu hướng phá vỡ hệ thống cân bằng cũ đã lỗi thời để thiết lập nên hệ thống cân bằng mới phù hợp hơn.

1 comments:

Theo vật lý mà nói thì 1 hệ thống luôn có 1 Entropy nhất định chứ nhỉ ?

Post a Comment