Jul 12, 2009

10:23 PM - No comments

Suỵt, đang suy nghĩ!

Theo truyền thuyết, tổ tiên của người Trung Quốc là người thuộc họ Hữu Sào, một giống người còn ăn lông ở lỗ, làm tổ trên cây. Sau, họ Toại Nhân phát minh ra lửa để nấu chín thức ăn (chứ không phải Prometheus chôm lửa từ các vị thần như trong thần thoại Hy Lạp đâu nhá). Họ Phục Hi phát minh ra lưới để săn thú, đánh cá và bước đầu biết chăn nuôi. Phục Hi chết, truyền ngôi cho Thần Nông, vốn được người Trung Quốc xem là ông tổ nghề nông, đã dạy cho dân chúng cách cày cấy, trồng trọt...

Sau Thần Nông tới Hoàng Đế, ông là người có công dạy dân xây nhà bằng gạch, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, đóng xe...Sau Hoàng Đế là các đời Nghiêu, Thuấn, Vũ vốn rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Thời Nghiêu Thuấn, dân cư an nhàn, cuộc sống thái bình. Người đi ngoài đường thấy của rơi không lượm, người ở trong nhà tối ngủ không phải đóng cửa. Karl Marx có mơ về 1 xã hội cộng sản trong tương lai chắc cũng chỉ tới mức đó.

Trước thời Vũ, người Trung Quốc sống trong những liên minh bộ lạc, mỗi khi cần giải quyết các công việc chung quan trọng như ra quyết định chiến tranh, hòa bình, bầu lại thủ lĩnh...đều triệu tập các hội nghị phụ lão và các thủ lĩnh quân sự. Có thể xem đó là một hình thái dân chủ kiểu công xã nguyên thủy.

Tuy nhiên đến thời Vũ, sự phân hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Người giàu càng tích lũy được nhiều tài sản. Người có thế lực được chia nhiều nô lệ hơn, thế lực lại càng tăng. Quyền uy của các tù trưởng ngày càng lớn. Sau khi Vũ chết, chức thủ lĩnh bộ lạc không do bầu cử dân chủ nữa, mà do con Vũ là Khải kế vị, sáng lập nên nhà Hạ - mở đầu thời kỳ chiếm hữu nô lệ ở Trung Quốc (chứ không phải là mở đầu triều đại phong kiến đầu tiên ở Trung Quốc như trên wikipedia đã viết. Tần Thủy Hoàng mới là người khai sáng ra triều đại phong kiến đầu tiên của Trung Quốc, khoảng TK thứ 3 TCN, nghĩa là tới 2 thiên niên kỷ sau nhà Hạ)

Bản chất xã hội là luôn vận động. Từ một sự phân hóa (tài sản, quyền lực) đã dẫn đến sự thay đổi cả một hình thái xã hội như đã thấy ở trên. Một xã hội đúng nghĩa không thể phủ định quá trình vận động và phát triển, và do đó, việc chấp nhận phân hóa là một hiển nhiên có tính chân lý. Không hiểu Marx làm thế nào để giữ nguyên cái xã hội cộng sản "trong mơ" của Người (giả sử chúng ta sẽ đạt được điều "trong mơ" ấy) mà vẫn đảm bảo một ngày nào đó nó sẽ không phân hóa, để không bao giờ xuất hiện một hình thái chiếm hữu khác , dĩ nhiên, ở cấp cao hơn?

0 comments:

Post a Comment