May 21, 2012

9:12 AM - No comments

Đọc là một nghệ thuật

Lenin bảo: "Không có sách, không có tri thức". Thực ra cũng chẳng cần ông bảo, ai cũng biết, sách là nguồn tri thức vô tận và đọc sách sẽ góp phần làm phong phú thêm cho vốn tri thức của mỗi người. Nhưng có một câu nữa của Lênin mà nếu ông không nói, không phải ai cũng biết: "Đọc là một nghệ thuật".

Cuộc sống hiện tại có nhiều thứ cần chúng ta: cà phê, bia bọt, billard, bóng đá, em gái dễ thương...nhất định không thể suốt ngày ôm lấy quyển sách được, như thế là tự chôn vùi đời mình. Nhưng làm thế nào để tinh thần vẫn luôn phong phú, vốn tri thức không bị lạc hậu mà vẫn có thời gian để lắng nghe "tiếng đời lăn náo nức", vẫn đàn đúm với bạn bè để không hoài phí những ngày xanh? Từ kinh nghiệm đọc sách của bản thân, mình xin mạo muội đưa ra 3 nguyên tắc, đi kèm với mỗi nguyên tắc là một cuốn sách được xem là "kinh thánh" giúp thực hiện nguyên tắc đó.

1. Chỉ đọc những gì cần thiết.

- Nguyên lý 80/20 : khi đọc xong, bạn sẽ thấy cuốn sách này thực sự ...chả có gì để đọc. Những gì tinh túy nhất của nó đã ghi ngay trên tựa sách rồi. Nguyên lý này phổ rộng trong hầu như mọi lĩnh vực, có thể áp dụng cho việc đọc sách: 1 quyển sách 10 chương thì chỉ có khoảng 2 chương đáng đọc. Trong 2 chương đáng đọc ấy thực ra chỉ có vài trang đáng đọc, trong vài trang đáng đọc ấy chỉ có vài dòng đáng đọc ^^. Dĩ nhiên, không phải lúc nào bạn cũng may mắn như thế, đừng cố mà áp dụng nguyên lý 80/20 để đọc Doremon hay Biện chứng pháp Hegel*.

2. Tăng cường tốc độ đọc.

- Sách dạy đọc nhanh hoặc cuốn ngắn hơn: Tăng tốc đọc hiểu để thành công (chỉ nên chọn 1 trong 2 thôi, đừng tham lam): sách của Tony Buzan, ông giới thiệu rất chi tiết các phương pháp giúp tăng cường tốc độ đọc. Phương pháp đơn giản nhất, không cần phải khổ luyện: lấy tay rà trên từng dòng chữ (giống như em bé mẫu giáo tập đọc) có thể tăng tốc độ đọc lên gấp đôi ngay lập tức.

3. Tăng cường khả năng ghi nhớ.

- Bản đồ tư duy: cũng của Tony Buzan, có rất nhiều  bản dịch, đây là bản mỏng nhất, súc tích nhất. Cho dù thế vẫn phải áp dụng nguyên lý 80/20: chỉ cần xem nhanh các hình vẽ được trình bày trong sách là đủ để hiểu cách thức sử dụng lược đồ tư duy.

Ngoài ra có 2 cuốn sách rất nên đọc mình cũng giới thiệu ở đây:

- Bí mật của một trí nhớ siêu phàm: Eran Katz trình bày một số phương pháp để tăng cường khả năng ghi nhớ của mỗi người. Rất ấn tượng. Các bạn cứ làm theo những chỉ dẫn của ông, có những mẹo rất đơn giản. Mình đã áp dụng nhanh phương pháp của ông để ghi nhớ số điện thoại của bạn bè, cũng lòe được khối người...Eran Katz còn có 1 quyển nữa, đó là cuốn Trí tuệ Do Thái nhưng mình khuyên các bạn hãy quên cuốn này đi vì cả hai na ná nhau, do đó 1 là đủ.

- Tôi tài giỏi, bạn cũng thế: thú thật là mình chưa đọc cuốn sách này, đơn giản là vì mình không thích Trần Đăng Khoa - một trong 2 dịch giả của cuốn sách. "Trần Đăng Khoa - diễn giả hàng đầu Việt Nam" - cụm từ đó làm mình gai con mắt và sinh ra ác cảm. Tuy nhiên, có vẻ đây là 1 cuốn sách hay, xem mục lục thì thấy ở phần 3: Những phương pháp học siêu đẳng - gần như là sự đúc kết nguyên tắc 2 và 3 mình vừa đề cập ở trên và mẹo ghi nhớ của Eran Katz.

Tất nhiên, ngoại trừ Sách dạy đọc nhanh/Tăng tốc đọc hiểu để thành công, những cuốn còn lại không phải là những cuốn sách chuyên về phương pháp đọc. Phương pháp đọc hiệu quả chỉ là một phần nhỏ ứng dụng rút ra từ những quyển sách đó mà thôi. Còn quá nhiều thứ hay ho khác mà bạn nên khám phá, không chừng nó góp phần thay đổi cuộc đời của bạn cũng nên.

*Tên 1 cuốn sách triết học.

Update: đã đọc "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế", quả thật như mình đoán, nó là tổng hợp của nhiều cuốn: 80/20, Trí tuệ Do Thái, Lược đồ tư duy ...Bản dịch của Trần Đăng Khoa và Uông Xuân Vy khá mềm dẻo, rất khá. Các bạn học sinh sinh viên rất nên đọc cuốn này.

0 comments:

Post a Comment