Jan 10, 2010

9:18 PM - No comments

"Bọn" văn nô tệ quá !


Hôm trước có đọc 1 entry bên website trannhuong nói về đôi câu đối đặt trước tượng đài tưởng niệm liệt sĩ ở ngã ba Đồng Lộc:

HỒN BAY THEO GIÓ BÊN HỒNG LĨNH
HIẾN THÂN BÁO QUỐC SÁNG ANH LINH


Quả thật, khó có thể xem đây là 1 câu (vế) đối. Hà Tĩnh thiếu chi người hay chữ, chả hiểu sao ở 1 nơi anh linh như thế lại xuất hiện "đôi câu đối" tệ hại đến vậy, làm thẹn cả cái danh "ông đồ xứ Nghệ" !

Sau đó vài ngày, lại tới chuyện câu chữ tiếng Anh trong hội thảo giới thiệu văn học VN ra nước ngoài: "To Introduce Vietnam Literature". Cả cái đám "văn nô" ( mượn chữ của Nguyễn Quang Lập) không lẽ không thể tìm ra ai giỏi sinh ngữ để đến nỗi phải dùng google translater map y nguyên cái tiêu đề tiếng Việt sang tiếng Anh ? Vậy mà bác Trần Đăng Khoa còn chống chế: chỉ là "sự khác biệt về quan điểm dịch thuật". Thiệt là hết biết !

Chưa hết, hôm nay trên blog của bọ Lập có entry "Khi thơ dỡ lên ngôi" của Trần Mạnh Hảo, đọc mà thấy buồn ! Có lẽ thời đại toàn cầu hóa, cái gì cũng cần được làm lớn lên, làm rộng thêm nên ngay cả những khái niệm đầy tính nghiêm túc cũng được làm mờ đi, làm phẳng ra. Văn xuôi chấm xuống dòng 1 cách tức tưởi cũng được trịnh trọng gọi là thơ !

Đọc những câu "thơ" đoạt giải của Nguyễn Thanh Mừng*:

“Chúng tôi đã lùa rất nhiều hình ảnh sang trọng của đại dương trút vào vần điệu xôm trò của những bữa tiệc thơ/Nào yến sào ngọc trai nào đồi mồi san hô nào cánh buồm tung mây ra khơi vào lộng/ Tuy nhiên hoa thả xuống nghĩa trang trong lòng biển Đông/Và câu chữ dâng lên linh hồn các anh-những người lính biệt tăm giữa sóng cao gió rộng..."

tự nhiên nhớ tới Hàn Mặc Tử một thời với: "Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/Đợi gió đông về để lã lơi", nhớ Xuân Diệu với "Mây trắng trời trong đêm thủy tinh/Long lanh đáy nước bỗng rùng mình", nhớ Yến Lan với "Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu", hay nhớ tới Chế Lan Viên: "Khi ta ở đất chỉ là nơi ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Thơ của họ, lúc thì lãng mạn tha thiết, lúc thì triết lý sâu sắc, khi thì phong trần lãng tử... nhưng thi từ đơn giản, thi cú rõ ràng, đọc lên ai cũng cảm nhận được đó là thơ, đọc 1 lần là nhớ mãi.

Thời loạn lạc ly tán, nước mất nhà tan, văn thơ lại hay một cách đáng ngạc nhiên, vậy mà trong thời bình, câu chữ bỗng nhiên loạn hết cả lên, thơ không ra thơ, văn không ra văn. Ông Hoài Thanh mà sống dậy chắc cũng chẳng biết xếp chúng vào cái giống gì nữa...

* Nguyễn Thanh Mừng là nhà thơ có tiếng tăm ở Bình Định, cùng một huyện với mình, giờ là chủ tịch hội văn nghệ tỉnh. Thơ bác cũng không đến nỗi thẹn với các bậc tiền nhân đất Võ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Hàn Mặc Tử...Chả hiểu sao bài này viết ẹ thế !

0 comments:

Post a Comment