10:07 AM -
Suy ngẫm
No comments
Nông dân và thị dân
Nói về những lùm xùm quanh lễ hội hoa Hà Nội vừa qua chẳng khác nào nói về một câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi". Đây đó trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta cố tìm cách lý giải nguyên nhân của việc xuống cấp văn hóa một cách trầm trọng của người dân Thủ đô. Trong đó không ít ý kiến cho rằng, Hà Nội nay không còn là "Hà Nội" xưa nữa. Người "Tràng An" hiện tại giờ không còn được bao nhiêu, Hà Nội giờ hơn 90% là dân nhập cư và sự xuống cấp về văn hóa không thể đổ lỗi cho người Hà Nội, vốn một thời được ca ngợi: "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"...Người ta có xu hướng đổ lỗi cho bộ phận lớn "dân nhập cư" đó và cho rằng chính bộ phận dân nhập cư đã làm "loãng", làm xuống cấp văn hóa Hà Nội, đem lại tiếng xấu cho Người Hà Nội.
Tôi không hiểu khi đặt ra vấn đề "dân nhập cư" ai đó có đồng thời đặt ra câu hỏi tại sao chưa bao giờ bắt gặp những cảnh tượng đáng buồn như ở Thủ đô vừa rồi tại những TP khác như HCM, Đà Lạt ... Mặc dù không có được số liệu chính xác từ cuộc tổng điều tra dân số vừa rồi, nhưng tôi đánh cược rằng, nếu tỷ lệ dân nhập cư ở Hà Nội là 90%, thì con số đó ở TP.HCM phải là 95%->98%.
Vậy thì nguyên nhân không phải nằm ở dân nhập cư. Hay nói rõ hơn, nguyên nhân không nằm ở sự khác biệt văn hóa giữa nông thôn và thành thị ( trước nay, người ta vẫn mặc định rằng, dân nhập cư là dân nông thôn, văn hóa dân nhập cư là văn hóa nông thôn). Trái với những nhận định cho rằng văn hóa nông thôn thấp kém, "rừng rú", dân nhập cư xuất phát từ nông thôn không có văn hóa ứng xử nơi công cộng, tôi cho rằng về phương diện này, người dân nông thôn thông thường lại có văn hóa hơn người dân thành thị.
Người nông thôn quen sống trong môi trường văn hóa làng xã, ở đó tính cộng đồng rất cao, mối liên hệ giữa những cá thể với nhau, thú vị thay không những không rời rạc mà trái lại rất gần gũi, gắn bó. Điều này không có ở người thành thị, tính cộng đồng tuy cao vì được dẫn dắt bởi những nguyên tắt ứng xử được xem là đúng đắn và chuẩn mực, nhưng hầu như không có mối liện hệ gần gũi giữa những cá thể với nhau. Chính vì thế, khi việc tuân thủ những chuẩn mực không đem lại lợi ích hay thậm chí còn gây thiệt hại, và trong điều kiện mối liên hệ cá thể - cá thể rất rời rạc, người ta sẳn sàng phá bỏ nguyên tắc để tìm kiếm lợi ích cho mình hay đơn giản là chỉ để thỏa mãn một thói quen xấu nào đó.
Đổ lỗi cho "dân nhập cư" là một sự qui kết không được công bằng cho lắm. Nó cũng giống như trước giờ người ta hay đổ lỗi cho ông Trời: Trời hại ta rồi ! Chỉ tại ông Trời ! hay Ông Trời bất công ! Chuyện gì xấu cứ đổ hết cho ông trời, vì ông trời có miệng đâu mà cãi lại...
Truy nguyên được vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu sâu rộng và kỹ lưỡng. Tôi cho là việc cần làm và phải làm gấp. Vì văn hóa ứng xử của người dân (ở) Hà Nội đã xuống cấp lắm rồi, bệnh để lâu di căn càng khó chữa. Cái này chắc phải chờ các bác Vương Trí Nhàn, Nguyễn Vinh Phúc...động bút (và cả động não) xem sao.
0 comments:
Post a Comment