Jan 17, 2010

5:21 AM - No comments

Nhàn đàm


Con người ta, bất chấp sự hữu hạn về mặt tri thức cũng như sự hữu hạn về mặt sinh học của mình trong mối tương quan với những dự phóng về sự minh triết và sự tồn tại của vũ trụ, luôn có tham vọng lý giải và truy nguyên tất thảy mọi vấn đề họ đối diện trong cuộc sống. Tôi cho đó là một tham vọng đáng yêu. Tham vọng đáng yêu có thể gây ra không ít những khổ ải, nhưng cho dù vậy thì đó cùng là những khổ ải đáng yêu.

Chẳng hạn như lúc này tôi đang nghĩ, không hiểu tận cùng của nỗi cô đơn là cái gì ? Có lần tôi đã nói ở đâu đó, rằng chỉ có những thiên tài hoặc những thằng điên thì mới cô đơn. Mặc dù không phải là thiên tài, cũng không đến nỗi là kẻ điên nhưng thỉnh thoảng tôi cũng cô đơn (chứ không phải tôi-thấy-tôi cô đơn). Đó là một thứ cảm giác gây nghiện, là một thứ cảm thức tính không tầm thường. Bản thân tôi cho rằng nỗi cô đơn hoàn toàn có thể dẫn dắt con người đi đến ngưỡng cửa của sự siêu việt (chữ của Kierkegaard). Để đi đến tận cùng của nỗi cô đơn, tôi nghĩ con người ta sẽ phải dần vứt bỏ hết bản ngã của mình và đoạn tuyệt cả với cái đa nguyên của mọi thể tính, không loại trừ tư tưởng.

Đi đến tận cùng cô đơn biết đâu chừng là đi đến ngưỡng cửa của việc giác ngộ tính không. Giác ngộ tính không là đạt đến tự do. Bạn có bao giờ quan sát một thiên tài (chắc là không, trong cuộc đời chúng ta đâu dễ gì gặp được một thiên tài!) hoặc một thằng điên (cái này thì rất có thể), có vẻ như về tri giác tính, họ không còn là một con người. Thực ra họ đã hoàn toàn thoát khỏi mọi ràng buộc đầy lý tính vốn vẫn đang dẫn dắt và trói buộc hầu hết đồng loại của mình. Họ không còn bị chi phối bởi cái logic nhận thức nghiệt ngã: cảm giác - tri giác - biểu tượng. Họ đoạn tuyệt cả với bản ngã - vì bản ngã trong trường hợp này cũng là một thứ ràng buộc - để đạt đến tự do tuyệt đối.

Vậy phải chăng tận cùng của nỗi cô đơn là tự do tuyệt đối, thứ tự do tinh thể, thứ tự do nguyên thủy mà con người hằng đánh mất mà tới giờ vẫn mãi mê kiếm tìm?

0 comments:

Post a Comment