9:28 AM -
Suy ngẫm
No comments
Bất nhân !
Câu chuyện về bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long tưởng thế là xong, coi như không nói nữa. Tuy nhiên mới đây, trả lời phỏng vấn tờ SGGP, nhà sử học Dương Trung Quốc đã có đôi lời phát biểu vô tình "khoấy động dân tình", kéo theo 1 loạt entry phản đối của các blogger. Ngay cả nhà văn - blogger "hiền hậu" Nguyễn Quang Lập cũng có entry lên tiếng.
Thực ra, ở một khía cạnh ít cực đoan hơn, có thể hiểu những lời của bác DTQ như là 1 cách thể hiện sự cảm thông cho những người tiên phong làm phim về đề tài lịch sử ở VN. Lần đầu tiên làm một bộ phim lịch sử trong bối cảnh thiếu thốn cả về phim trường, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, phục trang...và thậm chí là những khảo cứu nghiêm túc về bối cảnh lịch sử mà bộ phim diễn ra thực sự là một thách thức lớn. Tuy nhiên, sự thông cảm và "xề xòa" không đúng chổ của bác DTQ, tôi cho rằng sẽ dẫn đến sự dễ dãi. Sự dễ dãi trong văn hóa là 1 điều hết sức nguy hiểm. Đáng lẽ ra trong 1 thời điểm nhạy cảm thế này, bác DTQ, với tư cách là 1 nhà sử học, 1 đại biểu quốc hội không nên có những phát biểu như thế.
Bản thân tôi cho rằng, nó đơn giản là một cách nhìn nhận vấn đề của một cá nhân. Mà đã là một cách nhìn chủ quan của một ai đó, có thể ta đồng tình, có thể không. Nếu không đồng tình, chúng ta có quyền phản biện. Xin lưu ý là phản biện trực tiếp trên chính những luận điểm mà chúng ta không đồng tình đó, chứ không phải dùng những thủ thuật ngụy biện không nên dùng.
Là một tiến sĩ, tôi nghĩ bác NXD hơn ai hết hẳn phải phân biệt đâu là tranh luận có văn hóa, đâu là ngụy biện trong tranh luận. Nếu chỉ vì những phát biểu của bác DTQ "đi ngược" lại ý kiến số đông mà cho xuất bản 1 loạt các entry có ý đã phá tư cách cá nhân là không công bằng, nếu không muốn nói là bất nhân.
Có thể hiểu tâm lý bài Trung hiện tại đang hiện hữu trong nhiều người Việt Nam, trong đó có không ít các nhân sĩ trí thức. Nhưng nếu không tỉnh táo, chúng ta rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy đó, thấy cái gì liên quan một tý đến Trung Quốc cũng bài bác, dần đà dẫn đến cực đoan, mù quán. Chẳng hạn như entry này, sao lai đổ thừa cho Trung Quốc ? Từ "khách" trong "khách Việt" làm thế nào mà có thể hiểu nó một cách thô thiển trong mối tương quan "chủ - khách" ? Nếu bớt cực đoan đi, hiểu nó theo nghĩa của chữ khách trong "khách giang hồ", "khách (Việt) thập phương" thì có vấn đề gì để nói ? Huống hồ nó là một câu đối chữ Nôm - chữ của ông cha mình, chứ có phải chữ của "người ta" đâu ? Hay bác tiến sĩ ở viện Hán Nôm vì lo cho vận nước quá nên nhìn đâu cũng thấy nguy cơ ?
Trong bất cứ tình huống nào, người tri thức cũng nên giữ sự lương thiện tri thức. Ngòi bút có sứ mạnh "đâm mấy thằng Tây bút chẳng tà" nhưng nếu sử dụng nó một cách phóng túng, bất cẩn, có thể "đâm ngược" lại người mình. Đó sẽ là một sai lầm không gì có thể bù đắp.
0 comments:
Post a Comment