Oct 22, 2010

9:23 PM - 1 comment

Vài nhận xét

Tối qua ghé Fahasa tham dự buổi nói chuyện với những người nổi tiếng (gọi như thế có đúng không nhỉ) của FLI (FPT Leader Institute) . Nghe bác Nguyễn Vũ Tuấn Anh bàn về nhân trắc học trong quản trị nhân sự. Sáng nay ghi vội mấy dòng coi như là bài thu hoạch.

1/ Tò mò về diễn giả.

Thú thật mình đến vì tò mò về diễn giả nhiều hơn là vì chủ đề mà ông đề cập. Và mình chắc không ít cử tọa phía dưới cũng có cùng mục đích đó.

Bác Nguyễn Vũ Tuấn Anh vừa rồi nổi tiếng về vụ "thề thốt" có khả năng ngăn mây đuổi mưa cho đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Còn nhớ tờ điện tử vietnamnet.vn có tổ chức một buổi tọa đàm trực tuyến với bác. Mình đọc những câu trả lời của bác nhưng thấy không "phục" lắm. Đọc tới đọc lui cũng không hiểu là bác NVTA có khả năng gì, "ngăn mây đuổi mưa" hay chỉ là khả năng dự báo (ôi sao mình ngu thế không biết !). Bác nói là bác đuổi được, nhưng khi yêu cầu dẫn chứng thì chỉ dẫn chứng những lần bác ấy dự báo đúng thế này thế nọ ??? Mà khả năng dự báo cũng còn thòng thêm cái ...xác suất. Mà xác suất thì ... mình dự đoán anh Nam sẽ còn làm tổng giám đốc FPT trong 5 năm nữa, xác suất 90%, mọi người nghĩ sao, he he.

Bác NVTA mà một trong số ít người tin rằng (và quả quyết tin rằng) Kinh Dịch là một phần của nền văn hóa Đông Phương - nền văn hóa của người Lạc Việt - tổ tiên của người Việt Nam ta. Bạn nào quan tâm có thể tìm đọc cuốn "Tìm về cội nguồn Kinh Dịch". Bác ý còn là người sáng tạo ra Lạc Việt độn toán (mà bác khiêm tốn chỉ nhận là khôi phục lại từ những di sản còn lưu truyền trong văn hóa phương Đông) - một phương pháp dự đoán ...đủ thứ. Cá nhân mình rất thích những người có niềm tin mạnh mẽ và sẵn sàng sống chết để bảo vệ niềm tin đó. Dĩ nhiên niềm tin đó phải dựa trên những cơ sở chấp nhận được, nói nôm na là phải "có lý" một chút và đừng quá ảo tưởng (kiểu như Marx ???, he he).

2/ Về buổi nói chuyện
Nhận xét đầu tiên là có vẻ như buổi nói chuyện chưa bám sát chủ đề lắm. Tại sao ? Vì chủ đề đưa ra là "Nhân trắc học trong quản trị nhân sự" nhưng diễn biến thực tế không đúng như vậy. Trước hết hãy xem định nghĩa về nhân trắc học:

Anthropometry (Greek άνθρωπος, man, and μέτρον, measure, literally meaning "measurement of humans"), in physical anthropology, refers to the measurement of the human individual for the purposes of understanding human physical variation.

Nguồn: wikipedia

Nói nôm na nhân trắc học là "phép đo người" hay là bộ môn khoa học nghiên cứu về hình thể con người và phép đo đạt trên thân thể con người với mục đích tìm hiểu những biến đổi trên đó.

Đây là một khái niệm khá mới (1883) nếu so với lịch sử lâu đời của nhân tướng học trong văn hóa Phương Đông. Nếu so sánh đối tượng và tiêu chí nghiên cứu thì giữa nhân trắc học và nhân tướng học có nhiều điểm chung. Tuy nhiên trong khi "tiêu chí đo lường" của nhân tướng học rất phong phú thì nhân trắc học truyền thống chỉ dựa trên 10 số đo căn bản trên cơ thể con người. Ở một góc độ nào đó thì Nhân tướng học chính là nhân trắc học của người phương Đông.

Quay lại chủ đề, mình cho rằng buổi nói chuyện chưa bám sát chủ đề là vì 2 lý do:
a. Diễn giả là người có kinh nghiệm về nhân tướng học (và có thể là các kiến thức khác liên quan đến khoa học huyền bí phương đông), chứ chưa hẳn là chuyên gia nhân trắc học (theo nghĩa rộng) và càng không phải là chuyên gia nhân trắc học trong quản trị nhân sự. Dẫn đến lan man, không đúng chủ đề cần thảo luận.

b. Thính giả, vì không có những hiểu biết căn bản về nhân trắc/nhân tướng học và vì những quan tâm "ngoài luồng" của mình (về các vấn đề liên quan đến diễn giả, về "hậu vận" của bản thân) đã liên tục đưa buổi nói chuyện đi chệnh hướng. Chẳng hạn có bạn "bổng dưng lại ... hỏi" về Người Maya, ngày tận thế. Lại có bạn hỏi về chuyện đuổi mưa đại lễ...Đồng ý rằng có nhiều bạn tham dự chỉ để "mục kích sở thị" bác NVTA, xem thử bác có phải là người thế nào mà lại có những phát biểu ghê gớm như vậy (như mình chẳng hạn, he he), lại có người tới với hy vọng có duyên được Thiên sứ đuổi mưa xem cho 1 quẻ hậu vận .v.v. Với thời gian hạn hữu hơn 1 tiếng đồng hồ, cho dù là ...bố của thiên sứ cũng khó lòng mà đáp ứng hết được chứ huống hồ là thiên sứ.

Nói chung buổi nói chuyện tối qua chỉ mới dừng lại ở mức "Nhân tướng học for newbie" hay chính xác là buổi nói chuyện phiếm về nhân tướng học chứ chưa thực sự là buổi nói chuyện nghiêm túc về "Nhân trắc học trong quản trị nhân sự" (vốn cần nhiều thời gian và cũng cần nhiều diễn giả hơn, thậm chí phải có cả những chuyên gia về nhân sự có am hiểu về nhân trắc chứ không phải chỉ một chuyên gia về nhân tướng không am hiểu nhiều về quản trị nhân sự). Ở một góc nhìn lạc quan hơn, dù sao buổi nói chuyện cũng thỏa mãn được không ít người, những người có ý định gặp gỡ trực tiếp phù thủy đuổi gió ngăn mưa ( hay chém gió ngăn mưa) , những người đang ganh tỵ và muốn tranh đua với nữ hoàng dao kéo Phi Thanh Vân, mong muốn tìm một lời khuyên trước khi quyết định 1 lần sửa mũi vạn bước lên mây. Hay kể cả những người có ý định relax cuối tuần...:)). ( mình thấy có nhiều người hỏi về vấn đề "nhân tướng và dao kéo", thực ra không cần phải tới bác Tuấn Anh đâu, ai cũng biết muốn nổi tiếng thì không cần sửa mũi, thay vào đó cứ việc độn Silicon vô ngực, càng nhiều càng tốt :D )

3 Thay lời kết.

a. Về Nhân tướng học nói riêng và khoa học huyền bí phương Đông nói chung.

Là dân tự nhiên, bạn nghĩ thế nào về nhân tướng học ? Nói như bác NVTA, nó không có 1 cơ sở khoa học nào, nhưng nó đã tồn tại, và vì nó tồn tại đến mấy ngàn năm không bị đào thải cho nên chắc chắn nó phải dựa vào một lý thuyết nào đó, một siêu lý thuyết đã bị đánh mất ở một nền văn minh cực thịnh mà tới bây giờ các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm trở lại. Siêu lý thuyết đó (mà NVTA tạm gọi là lý thuyết Âm dương Ngũ Hành trước khi tìm ra nó) phải chăng cũng chính là lý thuyết mà mấy chục năm cuối đời Einstein vẫn mãi miết đi tìm (và đã thất bại) - thuyết trường thống nhất.

NVTA cho rằng nhân tướng học (cũng như các khoa học huyền bí khác) hoàn toàn có thể được xem là một lý thuyết khoa học vì nó có đầy đủ các yếu tố cấu thành của một lý thuyết khoa học: tính nhất quán, tính hoàn chỉnh, tính hợp lý.... kể cả tính tiên tri. Mình thì nghi ngờ ở tính tiên tri này, nó có thật sự có tính tiên tri hay chỉ là một sự ám thị tri giác, kiểu như 10 lần thầy phán sai thì không ai nhớ nhưng chỉ cần 1 lần phán đúng là khen thầy giỏi, đồn đoán lung tung. Dĩ nhiên mình không hồ đồ tới mức phủ định cả một đặc trưng văn hóa đã tồn tại mấy ngàn năm, nhưng điều quan trọng của người làm khoa học, và cả người đam mê khoa học là "phải biết đặt câu hỏi" như Einsteins từng nói. Mình có thể tin vào một vài điều huyền bí, nhưng dù sao vẫn thiếu một xác tín.

b. Về vấn đề quản trị con người hiện đại.

Cổ nhân dạy: Dụng nhân như dụng mộc. Quản lý con người là cả một nghệ thuật, nó bao gồm nhiều thứ hơn là việc phát hiện năng lực của mỗi cá nhân hay níu giữ cho công ty những người tài giỏi. Trong nghệ thuật quản trị nhân sự hiện đại, người quản lý giỏi không hẳn chỉ là người tìm ra và sở hữu được nhiều người giỏi. Người quản lý giỏi còn phải là người giải quyết bài toán tối ưu hóa một cách xuất sắc, sắp xếp đúng người đúng việc, đồng thời có sức ảnh hưởng đến nhân viên của mình, giúp họ trở nên hoàn thiện hơn, giỏi hơn, nhận thức rõ về khả năng của mình hơn sau mỗi công việc.

Nhân trắc học (chứ không phải nhân tướng học) nếu tồn tại như một phương pháp đánh giá trong quản trị nhân sự thì theo mình, nó chỉ có giá trị tham khảo bước đầu, bởi vì tính khách quan của nó (tướng mạo trời sinh mà). Cuối cùng, vấn đề cốt tử trong quản trị con người vẫn là cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo mà thôi.

1 comments:

Cám ơn em, bài viết rất hay :),giúp anh thêm một góc nhìn biện chứng khách quan để tự chiêm nghiệm, em trích dẫn Einstein làm evidence phản biện giúp cho lập luận càng chặt chẽ. Sẽ thuyết phục số đông nhiều hơn, đặc biệt trường phái "huyền bí", khi giảm bớt một vài tính từ phản biện bị chính "cảm xúc phản biện" chi phối.
Proud of you !

Post a Comment