Dec 15, 2008

9:38 AM - No comments

Chổ ngồi

From Neitcouq's blog
Hồi tối đi học, theo thói quen lại ngồi ở góc lớp, bị cô mắng, bảo dọn lên bàn trên còn trống mà ngồi. Chợt nhớ từ hồi học đại học mình đã có thói quen đó. Đã không tới lớp thì thôi, tới lớp rồi thế nào cũng chui xuống tít bàn cuối, góc bên phải, nơi có khung cửa sổ nhìn ra ngoài. Nếu đã có đứa nào ngồi chổ đó rồi là ...bỏ về liền.

Không cứ gì đi học, đi uống cà phê, đi nhậu cũng vậy, lúc nào cũng có xu hướng tìm đến một góc nào đó của không gian hiện tại, nơi càng gần cửa sổ càng tốt. Đó là nơi mình thích nhất.

Nói theo kiểu con nhà võ thì góc phòng là nơi an toàn nhất, không cần phải đề phòng phía sau lưng, nếu có ai tấn công mình thì sẽ phải tấn công trực diện, lúc đó sẽ nhận ra ngay và còn cơ may tránh đòn. Đó là ngày xưa hay nghịch ngợm đánh nhau nên thỉnh thoảng cũng sợ bị người ta phục kích bất ngờ...

Thực ra có thể dùng tâm lý học hành vi để giải thích chuyện này.

Những người thích ngồi trong những góc khuất của một không gian thường rơi vào 2 trạng thái : hoặc có ý thức chiếm hữu cả không gian đó, hoặc có tư tưởng muốn thoát khỏi không gian đó.

Tại sao lại nãy sinh ý thức chiếm hữu hoặc trốn thoát khỏi không gian hiện tại ? Đó chỉ là sự phản ánh một phần tính cách của đối tượng mà thôi, cái mà tâm lý học hành vi gọi là "hành vi thể hiện tính cách". Người có ý thức chiếm hữu không gian thường là người thích quan sát hành vi của những người xung quanh và do đó có thiên hướng muốn kiểm soát hay lãnh đạo người khác. Dĩ nhiên không thể vội vã đưa ra những kết luận theo kiểu như vậy. Khi có một kích thích xảy ra, sẽ có một tập những hành vi phản ứng lại với kích thích đó. Phải dựa vào một tập những hành vi hay thậm chí là nhiều tập hành vi như vậy mới có thể đưa ra kết luận ở độ chính xác cao. Cũng như vậy, hành vi muốn tách ra khỏi không gian hiện tại và "trốn" ở một góc nào đó có thể được hiểu như sự thể hiện của thái độ thiếu tự tin ở bản thân dẫn đến không muốn hòa nhập với cộng đồng, cũng không loại trừ đối tượng cũng mang một tính cách bảo thủ...

Thực ra còn một dạng thức thứ 3, đó là vừa có ý thức chiếm hữu không gian, lại vừa muốn trốn thoát khỏi không gian đó. Trường hợp này phức tạp hơn và đòi hỏi phải phải có những phân tích kỹ lưỡng mới có thể đưa ra được kết luận hợp lý.

Tâm lý học hành vi hay trường phái hành vi là một nhánh khá thú vị của chuyên ngành tâm lý học. Thấu đạt được nó không phải là chuyện đơn giản, nhưng sẽ rất có ích cho bạn nếu tìm hiểu chút đỉnh về lĩnh vực này. Từ những hành vi đơn giản nhất như dáng đi, tư thế ngồi, tác phong trò chuyện, hay thậm chí là cách mà người khác cầm một ly cafe hay gấp một chiếc áo mưa...bạn cũng có thể đưa ra những nhận định về tính cách của đối tượng quan sát. Giỏi một chút về tâm lý học hành vi, bạn sẽ trang bị cho mình khả năng đọc người khác rất nhanh, mà điều đó thì "lợi hại" thế nào ai cũng biết. Tà đạo một chút, áp dụng để tán gái chẳng hạn ?

Ai quan tâm về tâm lý học hành vi, giải thích thử tại sao tớ lại hay ngồi ở góc khuất của không gian, nơi có một chiếc cửa sổ để có thể quan sát được bên ngoài...

0 comments:

Post a Comment