Nói với người lớn
From Neitcouq's blog |
Mấy hôm nay, dư luận xã hội xôn xao về việc Quốc Vụ Viện Trung Quốc thông qua quyết định thành lập một đơn vị hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý các quần đảo thuộc biển Đông mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của họ, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Tiếp theo bản thông cáo phản đối của người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam mà hầu như ai cũng thuộc lòng mỗi khi có một quốc gia nào đó đơn phương thực hiện những hành động nhạy cảm trong khu vực đang còn nhiều tranh chấp này là sự lên tiếng có phần dè dặt của một số tờ báo uy tín như Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Nhưng có lẽ sôi động nhất là các phát biểu và nhận xét của các bloger trên các blog cá nhân. Cũng dễ hiểu, trong một hoàn cảnh mà các thông tin thuộc dạng “nhạy cảm” này không dễ gì được phép xuất hiện ở các kênh thông tin chính thức thì các blog là nơi lý tưởng nhất để mọi người có thể tự do bình luận và trao đổi, qua đó thể hiện chính kiến của mình về một vấn đề thật sự đáng quan tâm của đất nước hiện nay.
Tôi đã định không bình luận gì về chủ đề này, cũng chỉ vì sợ ai đó cho rằng mình là thằng rỗi hơi, rảnh quá làm chuyện không đâu. Tranh chấp, phản đối thì đã có Nhà nước lo, thông tin, tuyên truyền thì đã có báo chí làm. Biết được bao nhiêu chuyện mà đòi viết lách, lạm bàn ? Đúng là rách việc, ảo tưởng !
Tuy nhiên, Nhà nước là ai nếu không phải là mỗi cá nhân chúng ta ? Đâu phải vì chúng ta mỗi sáng vẫn đi làm bình thường, tới tháng vẫn nhận lương đầy đủ mà không ý thức được sự mất mát lớn lao đang diễn ra bên mình ? Tôi viết vì thấy mình có quyền được viết, được góp thêm tiếng nói của một người trẻ về những vấn đề của Tổ quốc. Trên hết, tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói, nói để các bậc cha chú hiểu là thế hệ trẻ chúng tôi, hay ít ra là tôi đang nghĩ gì, đang cảm thấy thế nào về vấn đề này.
Trước tiên, phải nói ngay rằng, ở một chừng mực nào đó, tôi hiểu và chia sẻ với những người lớn có trách nhiệm về những khó khăn mà họ đang vướng phải. Chúng ta đang ở cạnh một anh láng giềng mà sức mạnh tỉ lệ thuận với lòng tham của anh ta. Dĩ nhiên, đất ấy là của chúng ta, không thể bàn cãi, nhưng việc lấy lại những gì thuộc về chúng ta là một công việc vô cùng khó khăn, cả trong hiện tại lẫn trong tương lai. Tương lai gần và tương lai xa.
Chúng ta loại bỏ khả năng dùng vũ lực, cụ thể là sức mạnh quân sự để giành lại chủ quyền lãnh thổ. Không chỉ vì trong thời đại này, việc phát động binh đao vì bất kỳ một lý do gì cũng khó mà biện giải được, mà còn vì chúng ta không đủ tiềm lực quân sự để làm điều đó. Mỗi năm, họ chi ra hơn 6 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng, còn ta, vẫn đang loay hoay tìm vốn ODA để xoá đói giảm nghèo, lại còn phải lo chống thất thoát vì tham nhũng, lãng phí…Mức độ chênh lệch về sức mạnh quân sự trên biển thì càng lớn hơn nữa. Giả sử có tập kích bất ngờ mà chiếm lại được vài hòn đảo thì cũng khó mà giữ được, Hoàng Sa không phải là Hà Nội của những năm 1972 với hệ thống phòng không dày đặc có thể bắn hạ cả B52 của Mỹ.
Chỉ còn hi vọng vào con đường ngoại giao, vừa mềm mỏng, vừa kiên quyết, khôn khéo để chờ thời cơ giành lại lãnh thổ.
Trên mặt trận ngoại giao, chúng ta đang thu được những thành quả nhất định, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng có trọng lượng. Chúng ta vừa gia nhập WTO, đang là uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an. Đó chính là cách chúng ta thu hút sự quan tâm và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả việc tranh chấp chủ quyền biển Đông giữa các quốc gia có liên quan trong khu vực. Bối cảnh ngoại giao hiện nay không cho phép chúng ta có sự căng thẳng trên mức cần thiết với Trung Quốc, chúng ta nhường nhịn họ, đổi lại, họ ủng hộ chúng ta trong một số việc mà chúng ta cần tiếng nói cũng như lá phiếu của họ.
Trong mối quan hệ song phương Việt – Trung, rõ ràng là chúng ta chịu ngồi chiếu dưới, chịu lép vế họ, tuy nhiên trong hiện tại cũng như trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn phải xem ta như một đồng minh chiến lược. Trung Quốc với Nga như 2 con hổ lớn, con nào cũng muốn làm bá chủ, khó có thể chơi được với nhau lâu dài mà không tránh đụng chạm. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan hiện là đồng minh của Mỹ. Trung Quốc chỉ có thể thảnh thơi ở phía Nam vì Việt Nam hiện vẫn đang chịu ảnh hưởng của họ. Việc họ bành trướng sang phía Nam biển Đông cũng phần nào thể hiện toan tính đó, bỏ qua những lợi ích về dầu khí và các tài nguyên biển khác, thì họ cũng đang muốn tạo dựng một vành đai an toàn xuống phía Nam, phía khả dĩ nhất mà họ có thể mở rộng được. Hiện tại, việc Việt Nam bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ và xu hướng tìm kiếm đồng minh của Mỹ tại khu vực Nam Á, cụ thể là nhắm vào Việt Nam đã gây cho Trung Quốc không ít lo lắng. Rõ ràng, ta đang có cơ hội tạo áp lực để buộc Trung Quốc phải suy nghĩ lại cách hành xử của họ đối với chúng ta, trong đó có cách hành xử trong vấn đề tranh chấp biển Đông.
Với kiến thức hạn hẹp của mình, tôi chỉ suy luận được tới đó, cũng chẳng biết như vậy có đúng không. Tuy nhiên vấn đề đúng sai không hẳn đã quá quan trọng, bởi tôi muốn nói đến cách mà chúng ta, những người trong nhà hành xử với nhau, cách mà những người lớn có trách nhiệm đã và đang làm với chúng tôi - những người trẻ - thế hệ tương lai của đất nước, những người sau này sẽ thay thế các vị bảo vệ và xây dựng mảnh đất này.
Vài năm về trước, tôi - một cậu học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, thích đọc sử và quan tâm ít nhiều đến tình hình chính trị xã hội của đất nước vẫn ngộ nhận rằng, chúng ta đang (thật sự) sở hữu Hoàng Sa và Trường Sa. Không một ai nói cho chúng tôi biết, rằng chúng ta đã mất Hoàng Sa từ năm 1974 và ngay cả Trường Sa, chúng ta hiện nay cũng chỉ giữ lại chưa được ½ số lượng các đảo. Sách giáo khoa lịch sử không ghi, thầy giáo cũng không dạy, các phương tiện thông tin đại chúng cũng hiếm khi đưa tin về chuyện này. Tình cờ một lần ngồi xem bóng đá với một vị lớn tuổi, trả lời thắc mắc của tôi, rằng tại sao bác không cổ vũ cho Trung Quốc - một người anh em, một đại diện của châu Á mà lại ủng hộ cho đội bóng bên kia - một thằng tư bản Châu Âu, ông ấy đã hằn học nói như quát vào mặt tôi : “Tao không đời nào cổ vũ cho cái thằng ngoại xâm ấy. Nó nuốt mất Hoàng Sa rồi, giờ còn hăm he lấy cả Trường Sa nữa. Quân ngoại xâm !”
Tôi được biết một chuyện tày đình như vậy, trong một hoàn cảnh tình cờ đến như vậy.
Mới hôm qua thôi, tôi vào một diễn đàn tin học trên mạng, có một member đã phát biểu thế này : “ Trước giờ vẫn tưởng Trường Sa, Hoàng Sa đang thuộc sở hữu của Việt Nam, mấy hôm nay nghe chuyện mới té ngửa ra !”
Người lớn đã làm gì vậy ? tại sao cho chúng tôi học về sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964 mà không cho chúng tôi biết về sự kiện Hoàng Sa 1974 ? Phải chăng những người đã đổ máu vì mảnh đất này, lúc đó lại là những người ở “bên kia chuyến tuyến” ? Xét cho cùng chúng ta vẫn dùng một từ “đồng bào” để gọi họ kia mà ? Tại sao chúng tôi không được dạy rằng, hãy ghi nhớ cho đến hết đời mình, và truyền lại cho cả đời sau, hãy khắc ghi tận xương tuỷ, cho đến khi nào ta lấy lại được nguyên vẹn lãnh thổ thân yêu của đất nước, chúng ta chưa được phép vui sướng vì một phần lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam thân yêu vẫn còn nằm trong tay của những kẻ tham lam chưa bao giờ từ bỏ mưu đồ bành trướng. Thế hệ này không làm được thì thế hệ sau phải tiếp tục, cho dù là mười năm, một trăm năm hay một ngàn năm vẫn phải quyết lấy lại cho bằng được. Tại sao không ai nói điều đó với chúng tôi, một cách chính thức cũng như không chính thức ?
Đã đành rằng, trong bối cảnh ngoại giao hiện nay, chúng ta cố gắng tránh mọi sự căng thẳng không cần thiết với Trung Quốc. Nhưng phải hiểu rõ đâu là giới hạn của sự mềm mỏng chịu đựng, còn đâu là sự ương hèn bạc nhược. Có thể ai đó nói rằng, phản đối như thế chứ có làm căng đi nữa, chúng ta cũng chẳng giải quyết được việc gì, Trung Quốc cũng không vì thế mà trả lại đất cho chúng ta. Tôi lại nghĩ khác, phản đối, cho dù là ”phản đối vô hiệu”, cũng có giá trị của nó, giá trị lớn nữa là đằng khác.
Một là, chúng ta phải cho họ biết, chúng ta sẵn sàng làm đồng minh với họ, thậm chí chịu xếp chiếu dưới trong mối quan hệ này, nhưng họ đừng có vì thế mà được đằng chân lân đằng đầu. Chúng ta phải cứng rắn và tỏ thái độ kiên quyết hơn nữa nếu những hành động của họ vi phạm đến những lợi ích và giá trị thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là cách chúng ta thể hiện lập trường của mình, một kẻ yếu nhưng không hèn.
Hai là, chúng ta tranh thủ thu hút dư luận quốc tế ủng hộ chúng ta, đồng thời vạch rõ bộ mặt tham lam của Trung Quốc. Chẳng cần là người Việt Nam, một người nước ngoài chưa từng đọc sử biển Đông nhìn cái bản đồ của Trung Quốc với phần lãnh thổ trên biển được vạch ngạo nghễ xuống tới tận cực Nam của Việt Nam cũng đã thấy vô lý đến nực cười rồi.
Cái thứ ba, cũng là cái quan trọng nhất, thông qua việc phản đối cứng rắn hành động ngang ngược của Trung Quốc, chúng ta tự nhắc với nhau rằng, không bao giờ chúng ta được phép quên Trường Sa, Hoàng Sa là mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc. Ở đó, cha ông ta tự ngàn xưa đã vượt sóng dữ đi khai phá mở mang bờ cõi, ở đó máu đã đổ vì những giá trị thiêng liêng nhất, vì niềm tự tôn dân tộc không thể bị chà đạp, và vì những lợi ích cho con cháu tương lai…
Nhưng làm sao có thể nói to được khi những người đáng lý phải nói to trước tiên lại không hề lên tiếng. Làm sao những người trẻ có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình được trong lúc Thành đoàn, Hội sinh viên, những tổ chức được cho là đại diện cho thế hệ trẻ, mấy hôm nay vẫn im thit thít, không hề có một phát ngôn chính thức nào. Tại sao không phải là một cuộc biểu tình phản đối trong hoà bình trước đại sứ quán và lãnh sự quán nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ? Một điều hết sức bình thường mà thế giới văn minh người ta vẫn hay làm để biểu thị thái độ phản đối của họ đối với một quốc gia nào đó ? Tại sao cho đến giờ phút này, phản đối cao cấp nhất được ghi nhận công khai cũng chỉ dừng ở cấp bộ ngoại giao ? Tại sao báo chí lại bị hạn chế thông tin và đi sâu hơn nữa trong việc bình luận và định hướng dư luận trong nước về vấn đề này ?
Tôi buồn vì người lớn đã không làm hết trách nhiệm này. Các vị không hiểu rằng dù tuổi trẻ hiện nay thông minh, nhạy bén hơn cha anh rất nhiều, dù họ có khả năng hoà nhập rất nhanh vào thế giới đang ngày một nhỏ lại, nhưng cũng vì thế, sức đề kháng của họ cũng yếu hơn cha anh họ xưa kia. Nếu không được hướng dẫn và nhắc nhở đúng mức, họ sẽ không có khả năng nhen nhóm và bảo tồn nguyên vẹn ngọn lửa yêu nước, lòng tự hào dân tộc để cho dù một ngàn năm có trôi qua, vẫn có thế đứng lên giành lấy những gì thuộc về mình như tiền nhân đã làm. Mới sáng nay thôi, tôi đem chuyện Hoàng Sa và Trường Sa nói với các đồng nghiệp của mình - những người trẻ của thế hệ được mệnh danh 8X và đã nhận được không ít câu trả lời theo kiểu : “lo mà làm việc kiếm tiền đi, ăn củ mì mà bày đặt bàn chuyện thế giới !” - Họ cho việc cặm cụi bên chiếc máy tính để gia công một phần mềm cho một tên tư bản chưa hề biết mặt ở nước ngoài và tới tháng nhận lương quan trọng hơn việc góp một tiếng nói về vấn đề chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc, cái mà họ cho là “chuyện thế giới” ! Họ trả lời mà không hề có chút do dự khi được thông báo sẽ có một cuộc biểu tình trong hoà bình phản đối tại lãnh sự quán Trung Quốc vào ngày mai : “ tao bận đi đá bóng”, “em mắc đi xem phim”… Ai đã làm cho họ bàng quang đến nông nỗi này ? Tôi mong rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt.
So về lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, thế hệ trẻ hiện nay tuyệt đối không thua kém cha anh họ. Tuy nhiên đó không phải là những thứ không thể đánh mất. Thế hệ trẻ hiện nay vẫn đang nhìn vào cách hành xử của các bậc cha chú để mà tin, mà sống. Đừng đánh cắp niềm tin và sự kỳ vọng của họ, một khi niềm tin đã mất đi thì mọi thứ khác đều trở nên vô nghĩa.
0 comments:
Post a Comment