Dec 18, 2008

Lê Vân - yêu và sống


Vài cảm nhận khi đọc Lê Vân Yêu và Sống.

Dạo này nghe báo chí nói nhiều về tự truyện của nghệ sĩ Lê Vân, thấy cũng tò mò. Mới hôm qua công việc rảnh rỗi mới có thời gian đọc hết cuốn tự truyện.
Tiếng là đọc hết, nhưng thực ra cũng chẳng hết. Cũng đã khá lâu rồi không đụng tới thể loại sách này. Cái phản xạ của một một người có thói quen đọc sách khoa học khác xa so với một người đọc sách văn học. Đọc sách khoa học chuyên ngành, điều quan trọng là hiểu tác giả muốn viết gì, nhiều khi đọc một trang bỏ đôi trang cũng chấp nhận được, miễn là hiểu vấn đề. Còn với sách văn học, đọc còn phải hiểu tác giả viết như thế nào, nghĩa là phải đọc từng câu từng chữ, thậm chí phải phân tích giọng điệu của lời văn, phải theo dòng cảm xúc...Lấy thói quen của một người đọc sách khoa học chuyên ngành để đọc một cuốn hồi ký, nói đọc chưa hết là vì vậy. Tuy nhiên, đã cất công đọc một cuốn sách, cho dù là theo cách nào đi chăng nữa, thì cuối cùng cũng rút ra được một vài kết luận riêng cho mình, cho nên tôi mới mạn phép ghi ra đây vài dòng cảm nhận.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là : Lê Vân yêu và sống hoàn toàn đáng đọc, nếu có thời gian. Nếu không đọc nó dưới dạng một cuốn sách văn học thì cũng nên đọc theo cách của tôi, đọc như thể nó là một cuốn sách khoa học. Đọc để hiểu thêm về phụ nữ, về cách họ yêu, họ sống, để hiểu thêm về những đam mê ám ảnh và dẫn dắt họ.
Xét về góc độ thương mại, Lê Vân yêu và sống đã quá thành công, nó đã là bản best sheller đầu tiên kể từ khi cơn sốt Mãi Mãi tuổi 20 và Nhật Ký Đặng Thùy Trâm đi qua.
Ở góc độ nhân văn, nhiều người lên án Lê Vân vì những lời lẽ mà cô viết về cha mình. Công bằng mà nói, một người con thì không nên nói về cha mình bằng những lời lẽ như vậy, nhất là khi cụ đã gần đất xa trời. Có ích gì khi nói ra những điều đau đớn như vậy cho dù nó có là sự thật. Lê Vân là một nghệ sĩ, Lê Vân quá hiểu tâm hồn của những người như cô và cha mình là cực kỳ nhạy cảm, có lẽ đó sẽ là một trong những nỗi đau lớn mà người nghệ sĩ tài ba Trần Tiến phải gánh chịu trong suốt cuộc đời còn lại mình. Viết chỉ để sám hối (theo lời Lê Vân), nhưng Lê Vân lại chạm đến những nỗi đau của quá khứ và gây thêm những nỗi đau mới trong hiện tại cho nhiều người, tội lỗi càng chồng chất, xám hối kiểu gì đây ? Lê Vân trách cha mình không có trách nhiệm với gia đình, nhưng trong suốt cuộc đời mình, cô lại yêu say đắm 3 người đàn ông, cả 3 đều đã có gia đình và cuối cùng đều bỏ vợ con theo cô. Có mâu thuẩn quá chăng ?
Không thể nói Lê Vân can đảm, Lê Vân thiếu suy nghĩ và ích kỷ.
Có nhiều cách để nói lên một lời xin lỗi, khi anh phạm lỗi, đầu anh cuối xuống, khuôn mặt biểu lộ sự chân thành, giọng nói nhẹ nhàng và êm ái chứa đựng sự thành thật khi phát ra từ "xin lỗi", người khác cảm nhận được sự thành tâm trong anh. Anh cũng nói lời xin lỗi nhưng trong tư thế đầu ngẩn cao, đôi mắt mở to khinh khỉnh , khuôn mặt tưng tửng, giọng giễu cợt khi nói ra 2 tiếng xin lỗi thì đó lại là chuyện khác.
Lê Vân luôn miệng cho là mình bất tài, đến với điện ảnh bằng cái duyên và thành công nhờ sự may mắn, nhưng mở đầu tự truyện lại là một bức thư đầy lâm li và dài vằn vặt của một người hâm mộ gởi cho cô, thế là thế nào ? Người ta thấy cô chê bai các đạo diễn trên tư thế của một diễn viên tài năng, muốn hướng đến một thứ nghệ thuật đích thực nhưng bất mãn vì sự bất tài tham lam của đồng nghiệp và những người xung quanh. Nói về những mối tình của mình, cô viết bằng giọng điệu hết sức tự nhiên và tự hào, hồ như nếu có được lựa chọn lại lần nữa, cô cũng sẽ chọn cách sống như thế, để rồi sau cùng cô lại nói, tội lỗi của tôi lớn lắm, tôi xin sám hối. Ai tin ?
Lê Vân dối trá và ngụy biện !
Tôi không lạm bàn về cách sống của cô. Thực ra, chẳng có gì đáng lên án nếu Lê Vân sinh ra ở phương tây, hay cô sinh ra ở Việt Nam nhưng trễ vài chục năm nữa, chừng đó cách yêu và lối sống của cô cũng chẳng phải là điều cá biệt. Không trách cô nhưng cũng không trách được những người đã lên án cô. Họ lấy quan điểm về tình yêu và hôn nhân của người phương đông hiện tại để đánh giá Lê Vân, cô mất điểm là phải. Dù sao, sinh ra ở đâu và thời điểm nào thì cũng nên tuân theo thế giới quan của thời đó, nơi đó. Tôi vẫn nhớ một câu văn của Nam Cao "Hạnh phúc là một chiếc chăn hẹp, người này co thì người kia hở, nó không đủ cho tất cả mọi người" Thời nào cũng vậy, cho dù con người có tiến hóa tới đâu, muốn có hạnh phúc cho riêng mình thì cũng phải giành giật chăng ?
Dù sao đi nữa, qua "Lê Vân yêu và sống" (chứ không phải qua Lê Vân), tôi hiểu thêm về một lớp những người phụ nữ, họ cấp tiến, dám yêu, dám sống, dám vượt qua dư luận, yêu thì yêu hết mình, yêu đến mê muội, yêu và sống bằng cả bản năng, nhưng một khi đã chán nãn thì họ cũng tàn nhẫn và độc ác không kém, họ sẳn sàng rũ sạch mọi thứ. Họ thường thiếu suy nghĩ và rất ích kỷ nhưng cũng rất thông minh để có thể lừa dối được nhiều người, và đôi khi cả chính họ. Họ vừa rất đáng yêu, vừa cực kỳ đáng sợ !

0 comments:

Post a Comment