Dec 15, 2008

7:26 AM - No comments

Giới hạn

From Neitcouq's blog

Ngay từ nhỏ, tôi đã thích đặt ra cho mình những giới hạn, hoặc là để vượt qua nó, hoặc là để nhắc nhở mình đừng bao giờ vượt qua nó.

Hồi còn học lớp 5, vì nghĩ rằng cà phê, rượu và thuốc lá là những chất kích thích có hại cho sức khỏe, nên tôi thề suốt cuộc đời này sẽ chẳng bao giờ đụng đến chúng. Thực ra tôi cũng chẳng quan tâm đến tác hại của chúng lắm đâu, chỉ vì tôi thấy các dì tôi, mà nói chung là phụ nữ, ai cũng ghét đàn ông rượu chè, thuốc lá, cà phê cà pháo. Nếu không dính đến mấy thứ đó, tôi sẽ là một chàng trai tốt, sẽ được mọi người thương yêu (đó là cô giáo tôi dạy thế) hay ít ra thì vợ tôi sau này sẽ không bĩu môi nói về chồng của mình trước mặt mọi người với thái độ có phần kinh tởm như vậy (ấy là tôi thấy thế, qua các dì của tôi). Hồi đó, làm người tốt là một trong những mong ước cháy bỏng của tôi. Tính ra, nếu thi thoảng không đánh nhau, không cố tình lùa bò vào giữa ruộng lúa nhà người ta, thi thoảng không nói tục, ăn vụng táo trong thang thuốc bắc của bà ngoại...thì tôi đúng là một người tốt.

Hình như sau khi đưa ra quyết định cả đời này sẽ không đụng tới cà phê, rượu và thuốc lá, tôi phấn khích đến mức cả đêm đó thao thức không ngủ. Tôi biết đó là một quyết định hệ trọng và đầy khôn ngoan.

Đến năm lớp 8 thì tôi uống cà phê với lũ bạn. Bỏ qua hương vị của ly cà phê sữa đá có giá 2.000 Việt Nam đồng (thời giá hồi đó), tôi thấy chúng thật ý nghĩa. Bên ly cà phê, bọn tôi đã nói về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện hái trộm dừa ở trong khuôn viên trường, chuyện bóng đá, tắm sông, và dĩ nhiên, chuyện về bọn con gái trong lớp...

Không phải tuýp mau quên, tôi vẫn nhớ lời hứa của mình ngày xưa. Ngay đêm đó, không cần phải thao thức quá nhiều như mấy năm về trước, tôi quyết định loại cà phê ra khỏi danh sách những thứ sẽ không bao giờ đụng đến cho tới hết đời. Tôi vẫn giữ niềm tin son sắc rằng, mình sẽ thực hiện trót lọt lời thề, cho dù giờ chỉ còn lại rượu và thuốc lá. Một người tốt không có nghĩa là anh ta không biết uống cà phê.

Đến năm học lớp 11, chúng tôi đã có một bữa nhậu kinh điển tại nhà thầy giáo chủ nhiệm, nơi mà bọn con trai lớp tôi cho tới giờ vẫn giữ thói quen mỗi năm một lần gom gần hết bia rượu ở cái thị trấn nhỏ thân yêu, rồi kéo về đó ê hề thâu đêm suốt sáng. Hôm đó, thầy đã nói rất nhiều thứ không có trong sách giáo khoa hay giáo án của bộ giáo dục, kỳ lạ thay, cho tới giờ đó lại chính là những điều tôi còn nhớ được sau 3 năm đèn sách với thầy. Tôi còn nhớ, thầy khen tôi uống được, rất có tiềm năng, lần đầu như vậy là rất khá...

Đêm đó tôi lại suy nghĩ và thấy rằng rượu cũng không quá tai hại. Mặc dù có hơi choáng váng đôi chút nhưng rõ ràng tôi vẫn giữ lễ với thầy, vẫn vui vẻ (và thậm chí rất vui vẻ) với bạn bè. Tôi không chửi ai là đồ ăn hại, không đòi bạt tai ai, cũng không đập bể xong nồi hay đòi châm lửa đốt nhà - những điều mà ngày xưa, tôi nghe các dì kể với nhau về những ông dượng sau-khi-uống-rượu của tôi. Có điều gì nhầm lẫn ở đây chăng ? Vậy ra tại người uống rượu chứ đâu phải tại rượu ? Uống rượu vui thế kia mà, khi uống rượu người ta thành thật thế kia mà ? Nếu không có rượu, đến khi nào tôi mới biết thằng bạn học dốt như cừu lại thích con bé dễ thương như Britney Spears lớp bên ? Hay một thằng khác bổng nhiên buồn thiu vì thấy có lỗi khi lén lấy hết mấy tờ công trái chưa đến kỳ hạn của má nó đi bán non, lấy tiền ăn chơi ?

Tôi quyết định uống rượu để khắc phục sai lầm, muộn còn hơn không. Dĩ nhiên, thuốc lá thì tôi sẽ chẳng bao giờ đụng đến cho tới cuối đời. Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, câu đó con nít mới tập đọc cũng biết, huống hồ một học sinh đã học tới lớp 11 như tôi. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra, tôi tự hứa mỗi khi uống rượu sẽ uống thật nhiều, uống tới khi chỉ còn đủ sức để về nhà, về đến nhà rồi sẽ chẳng còn sức để làm việc gì khác (kể cả đánh đập hay chửi bới) ngoài việc ngoài lăn ra ngủ. Đó là điều kiện duy nhất để tôi loại bỏ rượu ra khỏi danh sách những món cấm đụng đến trong suốt cuộc đời. Tối đó tôi ngủ thật ngon.

Học kỳ 1 của năm thứ nhất đại học, trong vòng 30 phút, tôi và thằng bạn cùng phòng hút hết 1 bao con Mèo. Đó là một ngày cận Tết, ký túc xá đại học quốc gia buổi sáng vốn ồn ào là thế, vậy mà buổi trưa, cả cái ký túc xá rộng thênh thang với mấy ngàn sinh viên bổng nhiên vắng hoe. Bọn nhân văn, khoa kinh tế, bọn bách khoa đều đã về hết từ sáng. Bọn sinh viên tự nhiên ở lại thi môn cuối cùng, nhưng chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau khi từ trường về, cả cái ký túc xá gom lại chắc còn được chục đứa. Chúng tôi lang thang khắp ký túc rộng lớn, qua các dãy nhà C,D, E, nơi mà trước đây là biệt khu của bọn con gái, thằng nào bị bắt gặp ở bên này sẽ bị phạt 50.000 vì tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Cảm giác trống trải và cô đơn một cách đột ngột, cái day dứt nỗi nhớ nhà... trộn lẫn vào nhau làm nên một thứ cảm giác rất lạ mà lần đầu tiên trong đời tôi bắt gặp: vừa man mác buồn, vừa nôn nao khó tả. Chúng tôi tìm đến thuốc như một sự tình cờ, khi thằng bạn đề nghị: ê, hay là hai thằng mình làm điếu thuốc đi...

Tôi không biết chính xác trong khói thuốc có mấy nghìn độc chất, nhưng tôi nhận thấy thuốc lá có một thứ chất thật đặt biệt mà khi hít vào, con người ta trở nên đằm lại, "triết" hơn. Nỗi buồn được trợ lực bởi khói thuốc đã giúp con người dễ dàng tiếp thông (com-préhension - tôi xin mượn từ của Heidegger ) với vũ trụ. Tôi không hề quên cái cảm giác của ngày hôm ấy, 1 lần duy nhất và cho tới giờ tôi chưa từng gặp lại. Tôi có chút ít tình yêu với triết học và từ đó tôi hút thuốc, tuy không thường xuyên và cố để mình không bị nghiện.

Tôi đã chính thức phá bỏ lời hứa của mình từ năm 11 tuổi như vậy đấy, lần lượt, tôi vượt qua những giới hạn mình tự đặt ra. Mỗi lần vượt qua một giới hạn, tôi lại tự đặt cho mình những giới hạn khác thay thế. Tôi hút thuốc, và đặt giới hạn là chỉ hút khi người ta mời, tôi mua thuốc, và đặt giới hạn là sẽ không để ghiền thuốc. Ít ra thì tới giờ, tôi vẫn không ghiền thuốc, đó có vẻ là một giới hạn phù hợp với tôi.

Con người ta, một cách bản năng, luôn tự đặt ra cho mình những khuôn khổ và giới hạn, và rồi cũng vô thức tự điều chỉnh nó đến khi nào phù hợp với bản thân và hoành cảnh. Suy cho cùng đó không phải là sự thỏa hiệp, giới hạn tồn tại làm gì nếu không phải là để vượt qua ?

0 comments:

Post a Comment