Dec 18, 2008

9:48 PM - No comments

Rừng Nauy


Lâu lắm rùi tui không đọc tiểu thuyết, có lẽ vì không có thời gian cho những liêu xiêu như những ngày xưa. Dần đà cũng đánh mất đi sở thích của một thời, giờ cầm đến cuốn sách nào dày dày một chút là không thể đọc quá 3 trang. Thời gian khắc nghiệt thật !

Vậy mà không hiểu sao vừa rồi có thể nuốt trọn cuốn Rừng NaUy của Murakami.

Những năm 60 của thế kỷ 20, xã hội Nhật Bản như một thiếu nữ đang trong tuổi dậy thì. Cùng với sự thay đổi kinh hoàng của kinh tế, xã hội là sự xâm thực của nền văn hóa Tây Phương. Những giá trị truyền thống của một dân tộc vốn có lòng tự tôn rất cao bổng trở nên yếu đuối trước sức mạnh của đồng tiền và sự thực dụng. Hậu quả, một "loss generation" (thế hệ bị tha hóa) ra đời. Họ là những người trẻ, có tri thức, có khát vọng, nhưng lạc lõng trong buổi giao thời. Họ tôn sùng nền văn hóa phương tây, nghe Beatles, đọc Banzac, Charles Dicken. Họ nói về sex tự nhiên như kể một câu chuyện tiếu lâm. Họ lạc lõng và cô đơn, họ tha hóa và nỗi loạn.

Rừng Nauy làm tôi nhớ đến Trăm năm cô đơn của Maquez, hay gần đây nhất là Búp bê Bắc Kinh của Xuân Thụ. Nhân vật của họ là những con người cô đơn, những tính cách cô đơn. Họ sống với một bức tường nội tâm không thể công phá, và nỗi loạn hay tha hóa chỉ là một hệ quả logic.

Nỗi buồn thênh thang và sự cô đơn vô tận của nhân vật (và cả tác phẩm) đã làm rung động hàng triệu triệu trái tim độc giả. Không phải vô tình mà 1/7 dân số Nhật đọc Rừng Nauy, hay nó được xếp vào 10 cuốn sách dịch có ảnh hưởng nhất Trung Quốc. Nhưng trên hết, độc giả vẫn có thể tìm thấy cho mình một niềm tin, rằng tình yêu, tình bạn là có thật và đáng quý biết bao.

Không thể không nói một chút về sex ở đây. Rừng Nauy đầy rẫy những trường đoạn mô tả về tình dục. Giống như đứng trước một bức ảnh khỏa thân, ranh giới giữa nghệ thuật thuần túy, hướng con người tới cái chân, thiện, mỹ và sự trơ trẽn, tầm thường của dục vọng là một khoảng cách mong manh được xác định chỉ bởi nhận thức của người xem.

Rừng Nauy nói nhiều về sex, nó như một cách thức (và là cách duy thức duy nhất) để con người có thể đến với nhau, hòa vào nhau, chia sẻ cho nhau nỗi cô đơn cùng cực. Sex như một bản năng, trần trụi, nhưng lại mang một màu sắc siêu hình.

Theo tôi, Murakami đã viết về sex một cách hết sức tự nhiên như nó vốn phải thế, ông không ép nó phải xảy ra hay cố gắn kiềm chế nó. Ông viết về sex với một thái độ bình thản và công bằng, vô hình trung, khi đọc, người ta cũng để dàng chấp nhận, không giống như cái kiểu ngượng ngập và "khó nuốt" của Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu).

Nói gì thì nói, Rừng Nauy không phải là một tiểu thuyết dễ đọc. Nếu có thời gian (và cả tiền bạc, nếu không mượn được ai đó), bạn cũng nên thử lắm. Khi đọc xong Rừng Nauy, bạn cũng sẽ có những cảm nhận riêng mình, những cảm nhận thậm chí trái ngược hoàn toàn với những gì tôi cảm nhận trên đây. Rất có thể, vì đó chính là cái độc đáo của một cuốn sách hay !

0 comments:

Post a Comment