8:28 AM -
Suy ngẫm,Viết lách
No comments
Tản mạn cuối năm
From Neitcouq's blog |
Đã thề là sẽ không đá động gì tới lĩnh vực IT trên blog, đôi khi cũng muốn viết vài entry lan man một chút về nghề nghiệp, đắn đo lắm cuối cùng lại thôi. Làm IT đã phát mệt rồi, đến cái blog là nơi giải trí mà cũng đem chuyện nghề nghiệp ra nói thì chán lắm !
Nhưng có một số chuyện không thể không nói, thôi thì hôm nay tự cho phép mình phá vỡ nguyên tắc một lần vậy.
IT Việt Nam năm 2007 có nhiều cái được nhưng cũng không ít những cái buồn. Bên cạnh doanh thu từ xuất khẩu phần mềm tăng đều đều ở tất cả các công ty ( mà chủ yếu là gia công cho thị trường nước ngoài), IT trong nước vẫn còn nhiều cái đáng bàn lắm, nó cho thấy một viễn cảnh mà ở đó, chúng ta còn phải làm khá nhiều việc mới có thể xây dựng được một nền CNTT vững mạnh và đủ sức cạnh tranh trong một môi trường đã quốc tế hoá từ lâu.
1. Đề án tin học hoá quản lý nhà nước 112 thất bại với thất thoát hàng nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận xã hội. Tuy nhiên, với những người có chút ít am hiểu về CNTT, đó không phải là điều quá ngạc nhiên. Bỏ qua những vấn đề thiên về công tác quản lý, đề án 112 thất bại còn có những nguyên nhân thuộc về chuyên môn, nếu không muốn nói là những nguyên nhân chính.
Chúng ta đã không có một nền tảng vững chắc để phát triển một đề án với qui mô quá lớn như vậy. Để một đề án tin học hoá thành công, ít ra phải có bước chuẩn bị với 2 yếu tố cơ bản : công tác chuẩn hoá các qui trình xử lý nghiệp vụ và đào tạo con người tin học hoá.
Hiện nay ở nước ta, các qui trình xử lý nghiệp vụ còn quá phức tạp và rắc rối, mỗi nơi mỗi khác, mỗi địa phương làm theo mỗi kiểu, khó có thể chuẩn hoá để mô hình hoá. Mà không thể mô hình hoá thì không thể nói tới chuyện tin học hoá. Muốn khởi động lại một đề án tương tự, điều tiên quyết là phải chuẩn hoá tất cả các qui trình xử lý nghiệp vụ hành chính. Cái này thì còn lâu lắm chúng ta mới có thể làm được.
Vấn đề đào tạo con người tin học hoá cũng cực kỳ quan trọng. Ở nhiều địa phương, máy móc được trang bị về tới đơn vị hành chính cấp xã, nhưng cũng chỉ để phục vụ chơi game cho nhân viên. Khi có sự cố nhỏ, họ không thể tự sữa chữa, thậm chí không rõ cấu hình máy của mình như thế nào nên phải trông cậy vào kỹ thuật viên bên ngoài, gặp những anh chàng “láu cá”, họ tha hồ đổi phần cứng…Con người đã vậy, công tác đào tạo cũng qua loa cho xong chuyện. Rõ ràng nếu gặp phải những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng phần mềm quản lý (vốn rất củ chuối !), họ không thể tự đối phó.
Nếu có khởi động một đề án 113 tiếp nối ông anh 112 đi nữa mà không giải quyết được 2 vấn đề này, có thêm mấy vị nữa ngồi tù cũng không phải chuyện lạ.
2. Cuối năm, IT nước nhà còn gặp chuyện không đâu. Nguyễn Quang Huy ( Huy Remy – một hacker khét tiếng với nhiều vụ tấn công các website, điển hình là vụ ww.chodientu.com) được sự tài trợ của Nguyễn Hoàng Group trình làng trang web tìm kiếm monava.vn với tuyên bố sẽ cạnh tranh với đại gia Google để thu hút 2 triệu người Việt Nam truy cập.
Chỉ cần am hiểu chút ít về SE ( Search Engine) cũng biết đây là một trò lừa trắng trợn. Huy Remy định lấy tay che trời, dân IT Việt Nam đâu phải chỉ có mình cậu ta tài giỏi. Dùng cổng lập trình API do Google cung cấp miễn phí để lấy kết quả tìm kiếm của họ rồi hiển thị trên trang web của mình. Vậy mà cũng nhận là do mình tự phát triển, lại còn muốn cạnh tranh với Google. Muốn phát triển một search engine đúng nghĩa, đâu phải chỉ ngày một ngày hai. Ngoài việc phải có được một thuật toán tìm kiếm ưu việt ( thuật toán tìm kiếm của Google được họ cất giữ rất kỹ, vì đây chính là điểm mấu chốt đem lại thành công cho họ) phải có một hệ thống server khổng lồ để lưu trữ cơ sở dữ liệu index của tất cả các trang web. Monava với vài server tí hon đặt ở nước ngoài tuyệt nhiên không thể làm được điều đó. Chúng ta chịu thấp kém về công nghệ, nhưng không thể vì thế mà bán rẻ cả đạo đức nghề nghiệp, trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp, lừa dối công chúng hòng trục lợi cho riêng mình. IT Việt Nam trước giờ đã chịu quá nhiều nỗi nhục như thế rồi.
Đáng buồn là trò hề này được PR rộng rãi trên cách kênh thông tin từ đài truyền hình trung ương cho tới các tờ báo uy tín ( thanhnien.com.vn có đăng một bài lăng xê, đọc mà thấy xấu hổ cho báo chí nước nhà, không hiểu họ nghĩ gì mà viết như thế ? vì đồng tiền hay vì một tờ báo như Thanh niên không có đến một phóng viên cho mảng IT thực sự hiểu biết về lĩnh vực mình phụ trách ? )
Chúng ta đã có một năm buồn như thế, hy vọng 2008 sẽ là năm của CNTT nước nhà, không còn những thất bại vì yếu kém về trình độ, về đạo đức, chỉ có sự thành công và tương lai tươi sáng. Mong sao !
QABC 24/01/08
0 comments:
Post a Comment